Tỉnh ta có lợi thế phát triển một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như nho, táo, tỏi, măng tây xanh nhờ vào đặc điểm của vùng tiểu khí hậu nắng nóng quanh năm. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, diện tích hai loại cây nho, táo trên toàn tỉnh hiện có khoảng 2.200 ha và đang tiếp tục được mở rộng; măng tây xanh cũng phát triển mạnh nhờ thị trường tiêu thụ rộng, giá cao. Hướng tới nền nông nghiệp bền vững, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung, mời gọi các thành phần kinh tế tham gia để tạo sự đột phá mới. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp trước đây cũng chỉ mới dừng lại ở một số khâu nhất định, bằng hình thức hợp đồng với nông dân sản xuất các loại giống cây trồng ở mức độ nhỏ lẻ là phổ biến.
Dây chuyền sơ chế nho sau thu hoạch của Doanh nghiệp SX-TM-DV Ba Mọi.
Để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tạo chuỗi giá trị gia tăng, vừa qua, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh, làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún trước đây chuyển sang tập trung có sự liên kết chặt chẽ của “5 nhà”. Mới đây nhất là Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND, ngày 17-7-2017 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 đã “tiếp sức” cho doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống và mía, đang là dấu hiệu đáng mừng thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.
Hiện nay, có hàng chục doanh nghiêp đang chủ động liên kết với nông dân, thuê đất xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng ứng dụng công nghệ cao, tạo nguồn nguyên liệu chế biến ổn định. Nhờ vào chính sách thông thoáng, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang thuê 300 ha đất của nông dân vùng cao xã Phước Thắng (Bác Ái) trồng mía đã giải quyết được khâu thiếu nguyên liệu sản xuất của nhà máy, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mô hình thành công mở ra triển vọng mới trong khai thác tiềm năng đất đai khu vực miền núi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty TNHH Linh Đan liên kết với nông dân sản xuất lúa giống, măng tây xanh đã đầu tư toàn bộ vật tư, phân bón, giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng đảm bảo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Điểm mới trong đầu tư vào nông nghiệp trong năm 2017, đó là đã có doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn lắp đặt dây chuyền công nghệ chế biến hàng nông sản, lĩnh vực được tỉnh quan tâm khuyến khích nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nông sản Thái Thuận đã ứng dụng công nghệ bảo quản nho, táo bằng phương pháp bao gói khí điều biến. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc công ty, cho biết: Sau khi áp dụng công nghệ mới đã kéo dài thời gian bảo quản quả táo lên 60 ngày, giúp đơn vị thu mua sản phẩm của nông dân với số lượng gấp nhiều lần trước đây, giá ổn định kể cả trong thời điểm thu hoạch chính vụ. Các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến các sản phẩm từ măng tây xanh, nho cũng gặt hái được nhiều thắng lợi.
Có thể nói, tỉnh đã tạo cơ hội để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chính sách ưu đãi tiền thuê đất cho các tổ chức, cá nhân phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Với đà này, tin rằng đến năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng và bền vững, dựa trên nền tảng nông hộ chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo gắn kết nông dân và hợp tác xã với thị trường, xây dựng vùng chuyên canh áp dụng công nghệ cao mà tỉnh đã đề ra.
Anh Tùng