Năm nay, thời tiết trên địa bàn huyện Ninh Sơn khá thuận lợi cho cây mía. Bên cạnh đó, việc nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư đưa các mô hình tưới tiết kiệm vào sản xuất, nên hầu hết diện tích mía đều phát triển tốt và dự báo năng suất một số vùng trọng điểm như: Suối Mây, Sông Dầu, Chơ Vơ… thuộc địa bàn xã Quảng Sơn, Hòa Sơn tăng cao so với năm trước. Đây là điều phấn khởi, bởi hai vụ trước đó, thiên tai gây ảnh hưởng khiến không ít nông dân “trắng tay”. Tuy nhiên, nông dân vẫn không khỏi lo lắng vì năng suất dù có đạt, nhưng giá đường giảm và chữ đường không cao thì người trồng mía vẫn chẳng có lãi bao nhiêu. Đó là chưa kể năm nay bà con chuyển từ cây mỳ sang trồng mía rất nhiều, nên chắc chắn việc thuê công thu hoạch sẽ thêm khó và giá nhân công cũng sẽ tăng.
Người trồng mía Ninh Sơn chuẩn bị cho mùa vụ thu hoạch mới.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, niên vụ năm nay, diện tích mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn tăng thêm gần 1.000 ha so với kế hoạch. Riêng tại xã Quảng Sơn, diện tích tăng khoảng 500 ha. Được biết, việc tăng diện tích chủ yếu là do nông dân tự phát, trong đó phần lớn là chuyển từ trồng cây mỳ sang cây mía. Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: Liên tiếp mấy vụ mỳ bà con bị thiệt hại do hạn hán, mưa lũ, nên một số nông dân đã không còn mặn mà với cây mỳ. Tuy nhiên, việc bà con tự ý phát triển thêm diện tích mía cũng rất đáng lo. Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa–Phan Rang về công tác thu mua. Công ty cho biết đã có kế hoạch cụ thể đảm bảo công tác thu mua hết, đúng thời gian và không để người dân gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn nhận định: Thực tế diện tích mía tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến vụ thu hoạch, bởi tất cả các diện tích đều nằm trong hợp đồng bao tiêu của phía Công ty, kể cả các diện tích tăng thêm. Vấn đề đáng lo lâu nay chính là thời gian vào thu hoạch rộ khoảng sau Tết Nguyên đán, thời tiết thường hanh khô, mía rất dễ cháy, nếu công ty không có kế hoạch triển khai thu mua hợp lý, chậm trễ sẽ gây thiệt hại cho người dân và có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Điều mà bà con kiến nghị rất nhiều năm nay, đó là việc lấy chữ đường chưa thật sự rõ ràng, vì vậy, đề nghị Công ty nên có phương án cụ thể hơn để nông dân giảm bớt nỗi lo.
Theo ông Phan Thành Hiền, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang, dự kiến ngày 1-12, nhà máy sẽ chính thức mở máy ép, do giá đường trên thị trường giảm gần 30% so với mọi năm nên chắc chắn giá thu mua mía năm nay dự kiến cũng giảm theo khoảng 10-15%. Hiện nay, công suất ép của nhà máy đạt 1.500 tấn/ngày, vào vụ rộ sẽ tăng 1.600 tấn/ngày hoàn toàn đảm bảo thời gian cũng như kế hoạch điều tiết thu mua cho nông dân. Đối với các diện tích tăng thêm như năm nay, công ty cũng không thật sự áp lực gì, thay vì năm ngoái chúng tôi phải thu mua thêm mía bên ngoài tỉnh khoảng 40.000 tấn, nên diện tích tăng thêm cũng tương đương sản lượng này. Hiện chúng tôi đang băn khoăn là công thu hoạch, mong bà con khi bước vào thu hoạch rộ nên có kế hoạch thu hoạch mía hợp lý và phải theo lịch thu mua từ phía nhà máy. Ngoài ra, Công ty cũng đã trình phương án hỗ trợ đầu vụ cho nông dân lên Tổng Công ty xem xét để có những hỗ trợ hợp lý cho bà con tại một số khu vực khó khăn về đường vận chuyển, vùng không chủ động nước.
Với những biến động về giá cả thị trường, cùng với việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía chưa thật sự hợp lý, dẫn đến tình trạng diện tích cây mía tăng giảm không đều từng năm đã có thêm không ít áp lực khi mỗi mùa thu hoạch đến. Tuy nhiên, để “giải tỏa” áp lực này không thật sự khó khi nhà nông và doanh nghiệp tạo được tiếng nói chung. Mà điển hình là người trồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn và Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa–Phan Rang đã và đang tạo được sự liên kết chặt chẽ trong khâu tiêu thụ nguyên liệu mía. Tuy vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhưng tin rằng niên vụ mía năm nay nông dân huyện Ninh Sơn sẽ không còn vụ “mía đắng”
Nguyễn Sơn