Vụ mùa 2017 toàn tỉnh gieo trồng 14.691 ha lúa, thời điểm hiện nay 10.000 ha trà sớm đang ở trong giai đoạn kết thúc đẻ nhánh, số diện tích còn lại ở giai đoạn mạ, chuẩn bị đẻ nhánh. Theo đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTT): Từ trung tuần tháng 10 đến nay mưa nhiều, cây lúa sinh trưởng chậm, nhất là vùng cuối kênh Nam thuộc địa bàn xã An Hải, Phước Hải (Ninh Phước) chân ruộng thấp nước dâng cao làm cho thân lúa yếu. Lường trước những khó khăn trong sản xuất vụ mùa, ngay đầu vụ, đơn vị đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vận động nông dân tham gia nạo vét kênh mương nội đồng, nhờ vậy gần đây khi mưa, nhưng lúa không bị ngập úng. Hiện tại, Chi cục TT&BVTV đang chỉ đạo các Trạm Bảo vệ thực vật cử cán bộ trực tiếp ra đồng hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chống đổ ngã trên cây lúa như bón thêm phân lân, giảm phân đạm.
Phướng pháp dùng túi bao chùm nho tránh mưa, ngăn chặn sâu bệnh được nông dân xã Xuân hải (Ninh Hải)
áp dụng trong vụ mùa 2017.
Về tình hình sâu bệnh, qua kiểm tra đồng ruộng chưa phát hiện thiên địch gây hại. Tuy vậy, với thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều như hiện nay là môi trường thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, ngành chức năng khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, trường hợp phát hiện sâu bệnh kịp thời phun thuốc không để lan ra trên diện rộng. Chi cục TT&BVTV cũng đã làm tốt công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng bằng cách đặt 9 bẫy đèn phân bố đều trên các huyện, thành phố nhằm thu thập và phân tích số liệu côn trùng gây hại mùa màng để có biện pháp phòng trừ.
Riêng các loại cây ăn quả, công tác chăm sóc cũng được tăng cường, do đó mức độ thiệt hại bởi mưa gây ra không đáng kể. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lớn vào những tháng cuối năm 2016 làm cho hàng trăm ha nho, táo rụng trái, vụ này bà con thu hoạch sớm, tiến hành cắt cành để cây trồng có thời gian dưỡng sức, đảm bảo ra hoa, kết trái, năng suất cao ở vụ đông-xuân 2017-2018 tới. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ sản xuất nho trái vụ cần tập trung chăm sóc thật tốt mới đạt năng suất, chất lượng. Ở xã Xuân Hải (Ninh Hải), nông dân trồng nho xanh dùng túi bao chùm nho, có sự đầu tư của Công ty TNHH TM-XD Đỉnh Lợi được xem là cách làm sáng tạo. Ông Nguyễn Tấn, Giám đốc Công ty, cho biết: Đơn vị kinh doanh những mặt hàng nho, táo, tỏi… cung cấp cho các thị trường “khó tính” ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng, vụ mùa 2017, công ty phân phát túi bao chùm nho cho một số hộ ở xã Xuân Hải và Nhơn Hải, với mức đầu tư 5 triệu đồng/sào. Phương pháp này đã ngăn ngừa được sâu bệnh, mặc dù mưa lớn nhưng trái nho không bị hư hại, đảm bảo chất lượng.
Trong vụ mùa, toàn tỉnh chuyển đổi 90 ha đất lúa sang trồng các loại cây ít sử dụng nước. Để tạo niềm tin cho nông dân tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi trong những vụ tới, ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến công tác hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cạn, khuyến cáo nông dân thường xuyên khơi rãnh thoát nước để chân ruộng luôn khô ráo, nhất là những khu vực mới phát triển cây măng tây xanh. Từ giúp đỡ của cán bộ nông nghiệp, cùng với kinh nghiệm tích lũy qua thực tế sản xuất, nông dân xã Xuân Hải có sáng tạo bằng cách phủ lớp cát lên các luống cây măng tây xanh tạo độ tơi xốp cho đất, tránh ứ đọng nước. Anh Trần Quốc Tĩnh, ở thôn An Xuân, áp dụng cách chăm sóc trên cho 1 sào măng tây xanh, chi phí tăng thêm 600.000 đồng, bù lại dù cho có mưa nhưng ngày nào anh cũng đều đặn thu được 10 kg măng, bán giá bình quân 50.000 đồng/kg.
Với sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, các địa phương trong việc giúp nông dân sản xuất, tin rằng vụ mùa 2017 sẽ giành được nhiều thắng lợi.
Anh Tùng