Ông Lê Văn Nhật - Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng

(NTO) Với quyết tâm làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, nhưng lại gặp khó khăn do thiếu đất canh tác, ông Lê Văn Nhật, thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đã mạnh dạn lên huyện miền núi Bác Ái để lập nghiệp và thành công nhờ chuyển đổi diện tích trồng lúa, bắp kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả.

 
Ông Lê Văn Nhật chăm sóc vườn đu đủ của gia đình. Ảnh: Kim Thùy

Năm 2005, ông Nhật lên vùng núi thôn Rã Trên, xã Phước Trung (Bác Ái) thuê hơn 5 sào đất trồng cỏ chăn nuôi. Vốn khởi nghiệp ban đầu với 30 con dê, sau vài năm, số lượng đàn của gia đình tăng hơn trăm con. Thời điểm dê được giá bán cao, ông quyết định bán hết đàn dê để lấy tiền sang nhượng đất của bà con để phát triển trồng trọt. Ban đầu, với khu đất rộng 1,5 ha, ông trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, lúa cho năng suất không cao vì đất khô cằn. Trăn trở làm sao để tìm cây trồng phù hợp, năm 2013, ông quyết định cải tạo đất và chuyển đổi sang trồng cây ít sử dụng nước tưới. Nghĩ là làm, ông vừa bỏ công lao động cả ngày lẫn đêm chở đất thịt về để cải tạo đất, vừa thuê xe máy xúc cày xới, san ủi bằng phẳng. Sau khi cải tạo xong, ông chuyển 8 sào đất sang trồng dừa xiêm, xoài tứ quý và cây trôm.

Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao, ông đã lặn lội vào tỉnh Long An để học hỏi kinh nghiệm trồng. Trên diện tích đất còn lại 7 sào, ông trồng 800 trụ thanh long và áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng xen canh cây đu đủ. Nhờ chăm sóc kỹ và phòng bệnh trên cây trồng mà vườn nhà ông phát triển rất tốt. Sau hơn 6 tháng trồng, đu đủ bắt đầu cho ra trái, mỗi ngày ông thu hoạch hơn 2 tạ bán cho thương lái, bình quân mỗi tháng thu vào hơn 30 triệu đồng. Ông Nhật chia sẻ: Qua thực tiễn sản xuất, trên cùng một diện tích, đối với đất trồng hoa màu kém hiệu quả khi chuyển sang trồng cây ăn quả lại cho thu nhập cao hơn rất nhiều. Với hơn 50 gốc dừa xiêm và 100 cây trôm đang vào thời điểm lấy mủ, mỗi tháng thương lái vào thu mua, gia đình cũng có thu nhập gần 4 triệu đồng. Giống xoài tứ quý gần 100 gốc ra trái vụ đầu tiên, gia đình bán hơn 50 triệu đồng. Chỉ tính riêng xoài, dừa, trôm và đu đủ, gia đình đều có thu nhập ổn định, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Riêng cây thanh long ruột đỏ hiện đang bắt đầu kết trái, lứa đầu tiên phát triển rất tốt.

Ông Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Những hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả như ông Lê Văn Nhật là kinh nghiệm thực tiễn cho đồng bào Raglai học tập, vận dụng nhằm hạn chế tình trạng bỏ đất hoang và có nguồn thu nhập ổn định hơn. Đồng thời, theo chỉ đạo của UBND huyện, đối với vùng đất khô cằn, không chủ động nước, xã cũng đang khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng gắn với áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.