Để sản xuất nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới

(NTO) Ngày 27-2-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực thực hiện của ngành chức năng, các địa phương, bước đầu đạt được mục tiêu chung của đề án là khai thác tốt lợi thế vùng tiểu khí hậu khô hạn để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Tồn tại lớn nhất của nông nghiệp tỉnh ta là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đa phần nông dân trên địa bàn tỉnh cuộc sống chủ yếu dựa và chăn nuôi và trồng trọt, nhưng các hộ khó mở rộng sản xuất do quỹ đất hạn hẹp. Hạn chế này kìm hãm sự phát triển, sản xuất nông nghiệp chưa tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để tạo đột phá, việc thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp được xác định bắt đầu từ thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ hiện nay bằng hình thức liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, xây dựng các cánh đồng lớn trong vụ hè - thu 2017 vừa qua có tác dụng phá vỡ tập quán canh tác lạc hậu, khởi đầu nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất những mặt hàng “thị trường cần chứ không phải nông dân muốn”. Nhìn lại kết quả thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) có thể thấy, doanh nghiệp đã trở thành “hạt nhân” trong đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, hợp tác xã cũng thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Kết quả của mô hình cánh đồng lớn đặt nền móng cho hình thành phương thức tổ chức sản xuất mới, là xu thế tất yếu trong bối cảnh nền nông nghiệp hội nhập sâu rộng hiện nay.

 
Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) làm giàu từ trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: A.T

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất không riêng gì ở tỉnh ta, mà các tỉnh khác trên toàn quốc cũng đi theo hướng này và đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, với việc chỉ đạo đưa những loại cây trồng có giá trị kinh tế, khả năng chịu hạn cao như nho, táo, măng tây xanh, bưởi da xanh… vào sản xuất được coi là cách làm mới trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Với định hướng đúng, đến nay các địa phương đã dần khai thác được tiềm năng lợi thế từng vùng, từng khu vực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Trong 9 tháng năm 2017, đánh dấu hoạt động trồng cây măng tây xanh có chuyển biến tích cực theo hướng hình thành khu tập trung ứng dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đầu năm nay, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận triển khai mô hình trồng cây măng tây xanh bằng giống mới Attcus F1 xuất xứ từ Hà Lan đạt được kết quả nhất định. Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch, năng suất măng tây xanh giống mới cao gấp rưỡi giống cũ UC800 và UC157, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm giống trong sản xuất loại rau cao cấp này, giúp nhiều hộ mở rộng diện tích canh tác, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất của mình. Cùng với đó, hoạt động chuyển giao giống nho mới cũng được đẩy mạnh. Thông qua chương trình khuyến nông, ngành chức năng hỗ trợ nông dân đưa giống nho NH01-152 vào sản xuất với ưu điểm vượt trội về khả năng thích nghi với khí hậu khô hạn, năng suất, giá thành cao gấp 2 lần so với các giống nho cũ, mở ra triển vọng làm giàu cho các hộ trồng.

Không dừng lại đó, quá trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, các địa phương còn chú trọng đưa một số loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nếu như trước đây, bưởi da xanh chỉ được trồng ở xã vùng cao Phước Bình (Bác Ái), thì hiện nay phạm vi mở rộng thêm ở xã Công Hải (Thuận Bắc), với diện tích 3,5 ha. Xác định giá trị kinh tế của loại cây ăn quả này, huyện Thuận Bắc đang xây dựng vùng trồng trọng điểm, kết nối với huyện Bác Ái xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh trên thị trường.

Có thể nói, từ tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện. Diện tích và năng suất các loại cây trồng chủ lực đều tăng, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng ứng dụng công nghệ, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.