Dạo quanh một số trường học ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm dễ dàng bắt gặp những “quán hàng rong di động” sẵn sàng phục vụ các “thượng đế” nhí. Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ hành nghề của các quán hàng rong khá đơn giản bao gồm chiếc xe đẩy tự chế, bếp ga mini và một cái chảo. Các mặt hàng được bày bán khá đa dạng từ các loại bim bim đủ màu sắc cho đến nước ngọt, sữa, bánh kẹo, bánh tráng trộn hay các loại thực phẩm chế biến tại chỗ như xúc xích, cá viên chiên, xôi chiên... có giá dao động từ 2.000-5.000 đồng. Liệu rằng, với giá rẻ đó những món ăn vặt trên có thực sự an toàn, đảm bảo vệ sinh khi được bày bán ngay bên đường? Không chỉ thế, người chế biến thức ăn không hề đeo găng tay mà sử dụng tay trần để chế biến, thậm chí nhiều hàng quán còn vô tư bày bán đồ ăn ngay nơi tập kết rác thải… trông rất mất vệ sinh. Nhiều loại bánh kẹo, thạch rau câu, ô mai khi được hỏi nguồn gốc, xuất xứ thì người bán hàng chỉ ậm ừ không biết.
Các quán hàng rong trước cổng trường luôn thu hút, hấp dẫn học sinh.
Thông thường các quán hàng rong “giao dịch” qua khe hở giữa những chắn song tường rào vào thời điểm trước khi vào lớp và lúc ra chơi. Em Tạ Thị Thảo Nguyên, lớp 8E, Trường THCS Lý Tự Trọng (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: Vào giờ ra chơi, em cùng các bạn thường xuyên mua quà vặt trước cổng trường. Những món ăn này có giá khá rẻ nhưng mùi vị lại rất hấp dẫn.
Thực tế, không ai có thể đảm bảo nguồn gốc, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với những đồ ăn, thức uống được bày bán trước cổng trường. Không chỉ riêng ở tỉnh ta, mà trên cả nước, các chuyên gia y tế khuyến cáo những món ăn hàng rong không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh tiêu chảy, dịch tả… trong cộng đồng.
Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng rong không đảm bảo an toàn, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh ta đều thực hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả như: Đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua hàng rong; tuyên truyền các em về kiến thức an toàn thực phẩm. Một số trường còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương để nhắc nhở, treo bảng cấm bán hàng rong trước cổng trường. Không dừng lại ở đó, một số trường mở căn-tin trong khu vực trường, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Thầy giáo Nguyễn Cư, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) giãi bày: Do các hàng quán đều hoạt động buôn bán khu vực ngoài cổng trường nên nhà trường không thể quản lý. Nhằm hạn chế tình trạng học sinh ăn quà vặt không đảm bảo trước cổng trường, nhà trường mở căn-tin bày bán một số thức ăn sáng như mỳ tôm, bánh, sữa… Hàng tuần nhà trường đều tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, so với căn-tin, những món ăn hàng rong vừa có giá rẻ lại phong phú vẫn luôn hấp dẫn, lôi cuốn các em.
Theo quy định, hiện nay hàng rong thuộc quản lý của UBND phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị kiểm tra nên công tác quản lý về ATVSTP ở các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều bất cập. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Giang Trường, Chủ tịch UBND phường Đài Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo ATVSTP phường cho biết: Hàng tháng, chúng tôi đều tổ chức kiểm tra các quán hàng rong, nhưng việc kiểm tra chủ yếu xem hộ kinh doanh có đảm bảo yêu cầu về thủ tục hành chính như: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe… Mặt khác, vì tính chất “di động” của hàng rong, nên việc kiểm tra chất lượng ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn.
Thiết nghĩ, để hạn chế nguy cơ mất ATVSTP từ các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm pháp luật về ATVSTP. Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về ATVSTP, đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm hàng rong không đảm bảo ATVSTP.
Mỹ Dung