Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững huyện Bác Ái giai đoạn 2009- 2016, địa phương được Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp hỗ trợ 720.359 tỷ đồng để xây nhà ở, phát triển sản xuất, tạo việc làm… cho nhân dân. Chỉ tính riêng chính sách hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng đã chi trả hơn 22 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập cho 21 cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Chính sách hỗ trợ sản xuất cũng đã triển khai 68 mô hình trồng trọt, nuôi cá nước ngọt làm thay đổi nhận thức của người dân từ bỏ tập tục tập quán canh tác. Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi…, với 308 hạng mục công trình phát huy được công năng sử dụng, một số công trình đầu tư trọng điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Từ chính sách hỗ trợ sản xuất, đồng bào Raglai huyện Bác Ái thực hiện mô hình
trồng bắp lai nâng cao thu nhập. Ảnh: Anh Tùng
Ông Bùi Quốc Việt, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái, nhìn nhận: Hưởng lợi chính sách của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có những khởi sắc rõ nét. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 11%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,2%/năm (theo chuẩn cũ), cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu đói, nhà ở tạm bợ cho nhân dân. Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã chủ động kế hoạch sản xuất đúng cơ cấu, mùa vụ, tăng diện tích và năng suất cây trồng tại những vùng chủ động nước…. Tác động từ các chương trình, dự án là rõ. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa thật tương xứng. Qua báo cáo cho thấy, hàng trăm ha đất được cải tạo từ chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa chưa đưa vào khai thác do thiếu hệ thống thủy lợi đồng bộ là lãng phí lớn. Nhiều mô hình sản xuất được triển khai còn dàn trải, khiến cho nông nghiệp Bác Ái còn manh mún, nhỏ lẻ... Bà con sản xuất nông nghiệp chỉ mong đủ lương thực, đủ ăn, chưa nghĩ đến chuyện làm giàu. Vậy nên, dù các ngành, các cấp đã nỗ lực tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhưng khi có biến động nhỏ, tình trạng tái nghèo lại diễn ra. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bác Ái còn 52,1%, đang là thách thức lớn đối với những người làm công tác quản lý và chính sách ở địa phương.
Theo bà Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương bình và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo tăng khi có thay đổi về mức chuẩn, chứng tỏ công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái chưa thực sự bền vững, đặt ra nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào trong thời gian tới phải đi vào thực chất hơn. Có thực tế đáng nói, Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ đồng bào Bác Ái về nhiều mặt để cải thiện cuộc sống, nhưng chính sự ưu ái này tạo cho một bộ phận người dân có tâm lý ỷ lại, khi hết các chương trình ưu đãi thì nghèo trở lại. Để giúp bà con thoát vòng luẩn quẩn này, quá trình thực hiện chính sách cần chú trọng tạo cho họ chiếc “cần câu”, không nên cho luôn cả “cá”. Công tác tuyên truyền, vận động cũng phải được tăng cường để mỗi người dân nhận thức được rằng, sự giúp đỡ của Nhà nước chỉ là chất xúc tác ban đầu, muốn thoát nghèo bền vững chính người dân phải tự nỗ lực vươn lên.
Nhìn lại việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, thời gian qua huyện Bác Ái có nhiều hoạt động nâng cao ý thức làm giàu của người dân. Thông qua những mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các hộ đã chủ động liên kết với doanh nghiệp sản xuất mía, nuôi heo gia công ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số nơi như các tỉnh ở vùng núi phía Bắc từng làm, giải pháp thoát nghèo bền vững hữu hiệu nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số là khai thác lợi thế vùng núi phát triển du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống, nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân trong khu vực.
Anh Tùng