Ông Đạo Văn Nhớ làm kinh tế theo mô hình chăn nuôi tổng hợp

(NTO) Theo hướng dẫn của Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung (Bác Ái), chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Đạo Văn Nhớ, dân tộc Chăm, ở thôn Rã Giữa. Nhờ cần cù, dám nghĩ, dám làm, ông Nhớ tìm những vật nuôi phù hợp để nuôi trên mảnh đất khô cằn nơi mình sinh sống, mang về thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

 
Ông Đạo Văn Nhớ chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: K.T

Sau khi lập gia đình, ông Nhớ quyết định lên xã miền núi Phước Trung lập nghiệp. Với 5 sào đất trồng lúa kém hiệu quả, không đủ trang trải cuộc sống gia đình, ông Nhớ phải đi làm thuê kiếm sống. Nhờ có sức khỏe và siêng năng, ông nhận thêm nhiều công việc, ngoài chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình, còn tích lũy mua thêm đất sản xuất. Năm 2000, ông vay Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng mua 10 con dê nuôi theo hình thức sinh sản. Nhận thấy diện tích đất rộng nhưng do là đất gò đồi khô cằn nên trồng các cây màu cho năng suất không cao, ông chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Ngay từ khi bắt tay vào nuôi dê, ông luôn trăn trở làm thế nào tận dụng hết diện tích đất sẵn có để mở rộng chăn nuôi tổng hợp, tăng thu nhập cho gia đình. Sau 4 năm nuôi dê, số lượng đàn đã tăng lên hơn 60 con. Nhận thấy dê được giá bán rất cao, ông bán hơn phân nửa làm vốn, rồi chuyển sang mua cừu và bò, cùng với đó ông mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất lên gần 2 ha. Với gần 1 ha diện tích đất trồng cỏ để chủ động cung cấp thức ăn cho gia súc, nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình ông đã có hơn 150 con cừu, 10 con bò và 60 con dê.

Với bản tính hay làm, ông Nhớ còn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi chim bồ câu hiệu quả ở địa phương. Tận dụng diện tích đất còn trống, năm 2012, ông đầu tư xây chuồng khép kín rộng hơn 20 m2, rồi mua 20 cặp chim bồ câu nuôi thử nghiệm. Nhờ biết cách chăm sóc, đến nay chuồng nhà ông có hơn 100 cặp chim bồ câu sinh sản, mỗi tháng ông xuất bán hơn 40 cặp chim bồ câu ra ràng, thu về khoảng 3 triệu đồng. Song song với nuôi chim bồ câu, nhận thấy nhu cầu thị trường ưa chuộng gà thả vườn, ông xây tường xung quanh khuôn viên đất, nuôi mỗi lứa gần 100 con gà, hơn 4 tháng thì xuất chuồng bán cho thương lái. Ông Đạo Văn Nhớ chia sẻ: Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp mà gia đình có nguồn thu nhập thường xuyên, lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, nhờ vậy gia đình có điều kiện xây dựng ngôi nhà ở khang trang. Với số tiền kiếm được, tôi tích lũy để mở rộng sản xuất, hướng đến phát triển thành trang trại.

Ông Katơr Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung, cho biết: Ông Đạo Văn Nhớ là một trong những gương nông dân điển hình trong phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi tổng hợp. Ông thường xuyên hướng dẫn đồng bào Raglai trong vùng về cách chọn, chăm sóc và phòng bệnh đối với đàn dê, cừu, bò. Cách làm hiệu quả của ông đã tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của bà con trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế.