Những người nằm lại và điều day dứt nhất

“Điều day dứt nhất là chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn khoảng 200 nghìn liệt sĩ còn nằm lại ở nơi này nơi khác và vẫn còn 300 nghìn liệt sĩ chưa rõ danh tính”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ.

 
Lễ an táng hơn 100 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào, tại Nghệ An, ngày 12/5/2017.

Theo người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm nay, Bộ đã lựa chọn hai khâu đột phá là thực hiện tốt nhất công tác đền ơn đáp nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ và giải quyết các hồ sơ tồn đọng về người có công.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở năm 2017 là kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, ý nghĩa rất lớn, Bộ cần sớm đề xuất để tổ chức các hoạt động kỷ niệm xuyên suốt, tạo động lực cho toàn dân chăm lo, tri ân người có công. Trong đó, việc cần quan tâm đầu tiên là vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ.

Đây cũng là trăn trở của người đứng đầu Chính phủ. Theo Thủ tướng, “chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn, khi vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những điều này để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi cán bộ chúng ta”.

Theo thống kê, hiện có 28.500 trường hợp đang kê khai đề nghị hưởng chính sách người có công, trong đó 5.900 trường hợp đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ và người hưởng chính sách như thương binh.

“Có mấy việc day dứt nhất, là chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn khoảng 200 nghìn liệt sĩ còn nằm ở nơi này nơi khác, mà càng để lâu càng khó khăn hơn trong việc xác định. Mấy năm vừa qua đã xác định được 12 nghìn liệt sĩ, nhưng vẫn còn 300 nghìn liệt sĩ đã quy tập chưa rõ danh tính”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Vừa qua, Bộ cũng đã ban hành quy trình xử lý với các vụ việc cụ thể với các trường hợp xác minh người có công thiếu thông tin. Từ năm 2016, Bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, làm thí điểm và tới tháng 5 vừa qua, đã công nhận 86 trường hợp.

Trong đó, Bộ trưởng cho biết trường hợp đáng chú ý nhất sinh năm 1891, tức là năm nay 126 tuổi. Liệt sĩ đã nằm trong nghĩa trang 75 năm, đồng đội đều là liệt sĩ, nhưng nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ thì lại không thể được công nhận. Đó là liệt sĩ Đặng Văn Tiết quê Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh năm 1942.

“Cuối cùng, Bộ mời tất cả các đồng chí lão thành cùng công tác. Thì tất cả đều nghĩ rằng đồng chí đó được công nhận rồi. Tất cả các đồng chí cùng làm đơn kiến nghị, chúng tôi công khai 3 tháng, không có ai có ý kiến khác. Cuối cùng đồng chí đó được công nhận. Ngày đưa đồng chí về, bà con địa phương ra đón về như đón người thân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung không giấu được xúc động khi nhắc lại câu chuyện này.

Với nỗ lực này của Bộ cùng với các cấp, các ngành, kết quả, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 498 liệt sĩ, trong đó có 94 liệt sĩ hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Theo Bộ trưởng, đây đều là những hồ sơ tồn đọng nhiều năm, tư liệu, nhân chứng lịch sử không còn nên các địa phương phải khai thác tối đa các nguồn tin từ nhiều kênh khác nhau, thậm chí thông tin trong các nhà tù của địch, sổ sách giấy tờ, nhật ký liên quan, xin ý kiến của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa… Nhiều trường hợp tổ công tác phải đến 3 quân khu, 4 tỉnh để xác minh thông tin và làm rõ hơn những chứng cứ cần thiết.

Điển hình như các trường hợp của cụ Đặng Văn Tiết đã nói ở trên, các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khoá hy sinh năm 1945; 21 cán bộ bị địch bắt và giết tại Hải Phòng…

Liên quan tới vấn đề này, một nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hết sức quyết liệt, đó là xây dựng quy trình giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận đây là vấn đề hết sức phức tạp và còn nhiều vướng mắc.

“Cá nhân tôi cũng vừa giải quyết về danh tính một liệt sĩ nằm tại Hà Tĩnh. Mặc dù có giám định gen rồi nhưng người thân liệt sĩ đó không chấp nhận. Cuối cùng, tất cả các đơn vị của Bộ phải vào cuộc, Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, thống nhất với gia đình một nguyên tắc là mời một đơn vị của Bộ Quốc phòng giám định, khi đó mới giải quyết được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kể lại.

Theo Bộ trưởng, có được kết quả xác minh, công nhận các liệt sĩ như trên là nhờ những nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương, các nhân chứng lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những đồng chí, đồng đội của người có công.

“Họ đã hết sức mình chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý giá, hình thành những cơ sở nhất định để xem xét, xác nhận người có công”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết và khẳng định trong thời gian tới ngành sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bằng mọi biện pháp, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 căn bản giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công sau chiến tranh.

Bộ cũng sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, xác định bằng phương pháp thực chứng 7 nghìn hài cốt liệt sĩ, bằng phương pháp giám định ADN 70 nghìn hài cốt liệt sĩ.

Nguồn www.chinhphu.vn