Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc phấn khởi chia sẻ: Từ nay, làng gốm Bàu Trúc được chính thức “đóng mộc” trở thành địa chỉ văn hóa đặc trưng của cả nước. Tôi động viên các thành viên HTX sáng tạo đổi mới mẫu mã, nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, góp phần đưa làng gốm truyền thống phát triển bền vững.
Du khách tham quan, mua sắm sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Trao đổi với anh Trượng Thống, Bí thư Chi bộ khu phố 7 (tên hành chính làng Bàu Trúc), chúng tôi được biết bà con gặp nhau trong sinh hoạt gia đình, xóm phố đều bày tỏ niềm vui về nghệ thuật làm gốm của làng được Nhà nước đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào của các thế hệ người làng qua hàng trăm năm gìn giữ, phát triển nghề. Bàu Trúc hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương. Trong đó có 1 HTX và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động có thu nhập trung bình 2-3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nghề gốm kết hợp chăn nuôi gia súc, canh tác lúa giúp nhiều gia đình nuôi con ăn học thành tài, xây dựng nhà ở khang trang.
Về Bàu Trúc, chúng tôi gặp đông đảo du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến tham quan, mua sắm sản phẩm gốm Chăm. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, chị rất ấn tượng sắc màu đất nung qua lửa thô mộc và đường nét hoa văn tinh tế độc đáo của gốm Bàu Trúc. Các sản phẩm bình hoa, tượng thần, phù điêu sử dụng trang trí nội thất và sân vườn tạo không gian sống thân thiện với môi trường. Sản phẩm trải qua nhiều công đoạn chế tác công phu, nhưng giá cả phù hợp với túi tiền người tiêu dùng; bà con làng Bàu Trúc hiền hòa, mến khách.
Chị Đàng Thị Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Trong những năm vừa qua, Nhà nước quan tâm đầu tư trên 8 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày, đường giao thông, điện chiếu sáng, dạy nghề, quảng bá sản phẩm gốm Bàu Trúc. Cán bộ, Nhân dân vui mừng khi nhận được thông báo nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục tìm giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng làng nghề phát triển theo hướng gắn với du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho du khách đến tham quan nghệ thuật chế tác và mua sắm sản phẩm gốm của đồng bào Chăm làng Bàu Trúc.
Sơn Ngọc