Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc;
nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng;
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng;
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tham dự Hội nghị.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hôm nay (29/6), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính ở Trung ương có Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; lãnh đạo các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương…
Hội nghị trực tuyến triển khai đến cấp huyện, xã (đối với những nơi có điều kiện).
Hội nghị lần này tập trung quán triệt 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết về Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và Nghị quyết về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tránh nói nhiều làm ít
“Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, 3 Nghị quyết chuyên đề về kinh tế được Trung ương ban hành tại Hội nghị lần này đều là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội lần thứ 12 đã đề ra về phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ. Nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại DNNN và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chủ thể rất quan trọng, là nơi tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế.
Những quan điểm, những tư tưởng chỉ đạo, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trong các Nghị quyết cần được quán triệt sâu sắc và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cấp, các ngành và các địa phương.
Thủ tướng cho rằng, Hội nghị này nhằm quán triệt, cung cấp thêm và giúp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Trung ương, tất cả các địa phương nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, đồng thời vận dụng các mục tiêu, những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp vào xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm, tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm, chỉ đạo triển khai Nghị quyết một cách có hiệu quả, thiết thực.
Bắt đầu một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng. Ảnh; VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng cho rằng, Hội nghị hôm nay bắt đầu cho đợt sinh hoạt chính trị tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, nhanh chóng đưa 3 Nghị quyết quan trọng này vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng và các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.
Để quán triệt triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Thủ tướng đề nghị bám sát vào các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã nêu trong Nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương trong đó chú trọng một số nội dung.
Thứ nhất, thống nhất nhận thức và các nội dung cốt lõi của Nghị quyết. Trước hết, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển, là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng cộng sản lãnh đạo nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta. Khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN lần này chúng ta hoàn thiện và nói rõ hơn để có nhận thức đầy đủ hơn.
Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực giải phóng nguồn lực, tạo mọi thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về đất đai, tạo thuận lợi hỗ trợ tích tụ tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đổi mới công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển, đầu tư công và phân bổ các nguồn lực. Đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công, bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu. Cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống các ngân hàng thương mại và DNNN.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ của toàn hệ thống chính trị. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đối với Nghị quyết về Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, để DNNN hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, phát huy được vai trò then chốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, việc tiếp tục đẩy mạnh, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả DNNN là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Nâng cao hiệu quả quản trị của DNNN, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và chuẩn mực quốc tế; hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, không bị thất thoát lãng phí vốn, tài sản Nhà nước.
Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng sở hữu Nhà nước. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đối với Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Tại Nghị quyết lần này, Trung ương xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững.
Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên doanh, liên kết, theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết, hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có ý thức chấp hành luật pháp, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng quản lý, quản trị cao; chú trọng xây dựng, nâng cao văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Phải thực sự hành động
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Vấn đề thứ hai cần quán triệt, đó là đề nghị các đồng chí tập trung lắng nghe những nội dung phổ biến, quán triệt tại Hội nghị, tự nghiên cứu tài liệu, trao đổi thảo luận, nắm vững những tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong đó, chú trọng những điểm mới, cụ thể hóa về mục tiêu, về quan điểm, về tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá cần triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khắc phục những hạn chế, yếu kém để cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đồng thời, Hội nghị tập trung nghiên cứu, quán triệt những nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực, ngành mình để rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, yếu kém.
Vấn đề thứ ba, Thủ tướng đề nghị, ngay sau khi Hội nghị kết thúc, các đại biểu theo chức năng và nhiệm vụ được giao, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII của Đảng, gắn với thực tiễn của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng cấp ủy, từng cơ quan, đề xuất phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong những lĩnh vực, nhiệm vụ, công việc được giao.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực ngành, cơ quan, đơn vị để những quan điểm, định hướng chỉ đạo, các nội dung cơ bản của Nghị quyết được áp dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
Vấn đề thứ tư, việc thực hiện các Nghị quyết, nhất là 3 Nghị quyết về kinh tế lần này phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết khác của Trung ương. Cụ thể hóa thành các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, của các địa phương, để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; tăng cường và củng cố niềm tin trong Đảng, trong nhân dân.
Cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải thực sự hành động, đoàn kết, đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với các cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; chủ động tuyên truyền về Nghị quyết đến đông đảo cán bộ và đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong cả nước; chú trọng phát huy vai trò của truyền thông trong quá trình thực hiện.
“Để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng kỷ luật phải nghiêm minh. Đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn www.chinhphu.vn