Đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại sân bay Vnucovo-2 có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Igor Morgulov, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov, cùng các quan chức Bộ Ngoại giao Liên bang Nga. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn và các cán bộ Đại sứ quán, đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Liên bang Nga.
Đoàn Quân nhạc cử Quốc thiều hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội quân Danh dự. Tiếp đó, đội quân Danh dự diễu binh chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Liên bang Nga.
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga không ngừng được củng cố và phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, có độ tin cậy cao về chính trị; hợp tác kinh tế, thương mại phát triển năng động. Năm 2017, Việt Nam và Liên bang Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nga đạt 2,7 tỷ USD năm 2016 và 1,37 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nga gồm: Xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại… Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyztan) đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.
Hiện Nga đứng thứ 23/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 118 dự án và tổng số vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng… Vài năm trở lại đây, đầu tư của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, từ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, đến nay đã có 18 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn 2,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp…
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới, hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.
Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường du lịch tăng trưởng hàng đầu ở Việt Nam, năm 2015 đón 340.000 lượt khách, năm 2016 đón 430 nghìn lượt khách và quý I/2017 đón 150.000 lượt khách.
Tiếp nối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, hiện có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hợp tác an ninh-quốc phòng được đẩy mạnh, hợp tác khoa học-công nghệ tiếp tục được duy trì, hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga đã được tạo dựng khá đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay, hai nước đã ký kết hơn 100 văn kiện hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quân sự...
Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đi thăm chính thức Liên bang Nga có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn; Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Nguồn www.chinhphu.vn