Chuyện “ai không thích khen?”

(NTO) Này, bác có biết mấy bà vợ thích gì nhất không? Nghe hỏi, anh nhìn hắn hồi lâu rồi trả lời: Cậu cứ như trên trời mới xuống, mấy bà vợ chỉ có một điệp khúc, tiền đâu, nộp hết đây, biết chưa ông cụ non! Bác nhầm to rồi, các chị thích nhất là được khen, không tin bữa nào đưa tiền lương xong, chê thử sẽ biết tay! Thế chú có thích khen không? Nghe anh hỏi ngược, hắn gật gù…cũng thích!

Ngẫm nghĩ một hồi anh gật gù: Chú nói không sai. Cứ như vợ chồng mình lúc trước hay khắc khẩu chỉ vì tớ không biết khen cô ấy. Chú biết không? hồi sinh hạ công chúa đầu lòng, dù còn bé tý chưa hiểu gì ngôn ngữ nhưng mỗi lần nghe cha mẹ khen bé lại cười, chân tay thì vẫy vẫy như đáp lại. Trẻ thơ mà còn thế huống hồ người lớn. Vậy mà mình đâu có để ý, thành thử vợ chồng cứ hay hục hặc vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Rồi anh kể như chứng minh cho bài học bản thân: Sau này có đứa thứ hai, vợ chồng vốn làm công ăn lương thu nhập chẳng bao nhiêu mà chi cho các cháu học hành chiếm hơn nửa. Dù đã làm ngoài giờ kiếm thêm thu nhập nhưng nhiều lúc vẫn không đủ chi. Anh bảo cô ấy, thôi thì liệu cơm gắp mắm, ai ngờ vợ nhăn: Kiếm tiền cho vợ con chi tiêu, lúc nào cũng tiết kiệm, tiết kiệm, nghe chán chết! Nóng gà, mình đá xoáy: Chà, biết thế này hồi xưa kiếm anh chàng nhà giàu cho sung sướng…Rồi những ngày nóng nực, buổi trưa đi làm về cô ấy hay cáu gắt vô cớ, anh đế thêm, bao nhiêu sự dịu dàng để ở cơ quan hết rồi, đúng là “khôn nhà dại chợ”. Thế là căn nhà như bị xới tung lên, sau đó không khí gia đình trầm lắng, không ai nói với ai nửa lời. Có lần, cô ấy làm căng đưa con cái về ngoại ở, mình phải tự lo mới thấy vừa khổ lại cô đơn. Cũng may, không hiểu có phải tại thông minh đột xuất hay không, một lần vừa đi làm về bước vào nhà nhìn thấy bà xã tớ khen: Bữa nay nhà mình có em nào xinh thế nhỉ! Qúa lâu rồi mới được chồng khen, cô ấy biểu: Lại có âm mưu gì đây? nói có vẻ cảnh giác nhưng miệng thì cười tươi hết cỡ, nhìn hấp dẫn thật. Nhờ vậy, về sau mình thường sử dụng chiêu khen vợ. Mỗi lần như vậy cô ấy cười nhắc khéo: Khen vợ thì được chứ khen em nào thì ...

Nghe anh kể, tôi trộm nghĩ, nếu xã hội cũng như vậy thì việc khen sẽ đơn giản và ý nghĩa biết bao. Có lần, tôi thiệt lòng góp ý với bạn mình là sếp: Ông nhường khen cho cấp dưới, uy tín, vị thế bản thân sẽ được nâng cao. Ai ngờ, hắn nói tưng tửng: Mình đâu thích khen, khổ nỗi mỗi lần bình xét khen thưởng là anh em cứ giới thiệu mình bằng được. Có lần mình kiên quyết xin rút nhưng mọi người không chịu, họ bảo: Doanh nghiệp ăn nên làm ra là nhờ công lao của lãnh đạo, luật đã qui định thành tích của đơn vị luôn gắn liền với thành tích của sếp. Cũng chẳng sai, ông thấy đấy, "một người lo bằng kho người làm". Anh em làm việc ngày tám giờ, còn mình ngoài làm việc tại công sở đêm về lo nghiên cứu tài liệu, tìm đọc thêm trên mạng rồi quan hệ khách hàng... Ngày nghỉ cũng như ngày làm việc, luôn đau đáu sao cho doanh nghiệp ngày càng phát triển, ai cũng có việc làm, thu nhập của cán bộ, công nhân viên ngày càng tăng. Nghe bạn thao thao, tôi nói: Chứ không phải ông thích khen à, nhìn xem ông chỉ còn thiếu Liên hợp quốc khen nữa là đủ bộ sưu tập. Cứ nghĩ tức giận, ai dè hắn dịu giọng: Ông nói làm tôi giật mình, thực tình mà nói việc khen thưởng là do bộ phận chuyên môn họ thực hiện, mình cũng có lỗi là chưa quan tâm. Ông yên tâm, tôi hứa sẽ lưu ý khen anh em nhiều hơn. Rồi hắn nói như khẳng định: Đúng như ông bà ta đã dạy “thần thiêng nhờ bộ hạ”, quan tâm khen họ chính là tạo động lực để doanh nghiệp phát triển!

Ai không thích khen? Bởi đã là con người thì được khen ai chẳng thích. Trên báo mạng mấy ngày qua có chuyện: Bé học mẫu giáo kết thúc năm học không được cô giáo tặng giấy khen buồn khóc, người cha có sáng kiến tạo giấy khen cho con để cháu vui. Từ thực tiễn cuộc sống có thể thấy khen là nhu cầu tự nhiên của mỗi con người, dù đó là em bé thơ đến cụ già tóc bạc phơ. Nhưng khen như thế nào mang lại hiệu quả tốt để góp phần thúc đẩy xây dựng con người mới, gia đình và xã hội ngày càng hoàn thiện thì không dễ bởi nếu khen không đúng sẽ có tác dụng ngược.