Ma Nới quyết tâm giảm nghèo từ phát triển sản xuất

(NTO) Ma Nới là xã miền núi của huyện Ninh Sơn. Toàn xã có 6 thôn, gồm: Thôn Do, Gia Rót, Hà Dài, Tà Nôi, Gia Hoa và thôn Ú, với hơn 1.025 hộ dân/4.379 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Tuy “sở hữu” diện tích đất khá lớn, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có gần 15.000 ha, chiếm 58,6% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, nhưng đất sản xuất nông nghiệp chỉ có gần 950 ha. Riêng đất trồng lúa có trên 135,20 ha (lúa nước 82 ha và lúa rẫy 53,26 ha), đất trồng cây lâu năm trên 276 ha, còn lại là cây hàng năm...

Nỗ lực giảm nghèo trong khó khăn

Từ những con số nêu trên cho thấy, bức tranh toàn cảnh về đời sống kinh tế cũng như dân sinh ở đây. Anh Ma Nhông Nhíp, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới trao đổi thẳng thắn với chúng tôi: Đất sản xuất nếu chia cho bình quân số hộ hiện có thì gọi là cao hơn so với đồng bằng nhưng phần lớn là đất đồi núi, bạc màu nên đa số đồng bào dân tộc Raglai vẫn còn sản xuất nông nghiệp bằng hình thức quảng canh, một số ít vẫn còn duy trì hình thức sản xuất theo lối du canh. Trên hầu hết các diện tích gò, đồi, người dân vẫn sử dụng phương thức gieo trồng thô sơ (chọt lỗ) để gieo trồng. Mặt khác, đa phần diện tích đất nông nghiệp do người dân tự khai phá, phân tán nhỏ lẻ nên khó khăn cho việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Đó là chưa nói sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào nước trời, lại bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa bão thất thường vào những tháng cuối năm, nắng hạn kéo dài vào mùa khô, bên cạnh đó khả năng áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế, do đó năng suất và sản lượng đều thấp hơn so với các địa phương khác trên địa bàn huyện, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, văn hoá-xã hội của nhân dân trên địa bàn xã nói chung và hộ nghèo nói riêng... Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, sự sâu sát của chính quyền địa phương, nhất là hướng dẫn, động viên bà con sản xuất với những giống cây trồng thích hợp như lúa, bắp, cây thực phẩm (đậu xanh, đậu các loại), gắn với ứng dụng khoa học- kỹ thuật, nhờ đó, diện tích gieo trồng và sản lượng tăng nhanh trong những năm gần đây. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn xã dao động từ 1.300 - 1.600 ha tùy vào thời tiết từng năm. Ngoài ra, chăn nuôi các loại gia súc có xu hướng tăng nhanh, đến nay tổng đàn hiện có gần 4.700 con, bình quân mỗi hộ có gần 5 con. Trong số này, đàn heo trên dưới 2.000 con; đàn bò trên 2.150 con; đặc biệt đàn dê từ 75 con (năm 2011) tăng lên trên 500 con hiện nay. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của xã, góp phần cải thiện thu nhập, nâng mức sống của người dân.

 
Những năm qua, đời sống của người dân xã Ma Nới (Ninh Sơn) ngày càng được nâng cao so với trước kia.
Trong ảnh: Nhờ áp dụng tốt quy trình chăn nuôi, đàn bò của hộ gia đình
bà Kator Thị Tinh, thôn Gia Rót, từ 4 con bò sinh sản, đến nay đã có trên 12 con.

Thực tế cũng rất đáng ghi nhận là những năm qua việc phân bổ, triển khai lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn xã được kịp thời theo hướng linh hoạt, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trực tiếp đến người dân; trong đó chú trọng hoàn chỉnh các quy hoạch làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình phục vụ cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân được đầu tư xây dựng; giải quyết tốt các nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, vốn vay cho nhân dân... Đơn cử như thông qua Chương trình 135 với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bình quân mỗi năm xã Ma Nới được đầu tư 300 triệu đồng cho phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Hay như Chương trình phát triển chăn nuôi miền núi, đến nay có 43 hộ nhận hợp đồng chăn nuôi bò sinh sản; 6 hộ hợp đồng nhận nuôi dê sinh sản. Đây là 2 chương trình có hiệu quả cao, đến nay, tất cả các đàn bò, đàn dê được hỗ trợ qua các năm đang phát triển ổn định, qua đó xây dựng mô hình chăn nuôi rất hiệu quả và được sự đồng tình rất cao của nhân dân.

Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, nếu năm 2013 bình quân đạt 5 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2016 đã tăng lên 8,7 triệu đồng/người/năm. Nhờ đó, tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 73,3% (năm 2011) xuống 48,25% (năm 2015). Tuy nhiên, đầu năm 2016 khi áp dụng các chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 2016-2020) thì tỷ lệ hộ nghèo của xã tăng lên 67,69%, trong năm toàn xã tiếp tục phấn đấu số hộ nghèo giảm 5,93%, hiện còn 61,76% so với đầu năm.

Phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững

Đây là quyết tâm “chắc nịch” mà anh Ma Nhông Nhíp, Phó Chủ tịch UBND xã đã nói với chúng tôi, bởi theo anh so với mặt bằng chung của huyện thì tỷ lệ hộ nghèo nêu trên là còn cao, giảm nghèo chưa vững chắc; ý chí thoát nghèo của một bộ phận người dân chưa mạnh, là lực cản lớn trong công tác xoá đói giảm nghèo của địa phương. Để phát triển kinh tế, xã xác định mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 12%, trong đó nông nghiệp vẫn là chủ lực: trồng trọt chiếm 65% và chăn nuôi 35%. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt từ 15-18 triệu đồng/năm; xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới (còn 3 tiêu chí về nhà ở, hộ nghèo và thu nhập phấn đấu đạt sau năm 2020). Vậy đâu là giải pháp?.

Nhiều nông hộ ở thôn Gia Hoa (Ma Nới, Ninh Sơn) thoát nghèo bền vững nhờ trồng mì cao sản.

Đầu tiên là về sản xuất nông nghiệp, toàn xã thực hiện theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, từng bước bền vững và hiện đại, đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tiếp tục phát triển ổn định các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương; áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng cường đầu tư thâm canh nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, chấm dứt hẳn tình trạng quảng canh của đa số người dân. Về chăn nuôi, tập trung phát triển ngành chăn nuôi và xác định đây là ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của địa phương; chú trọng nâng cao chất lượng đàn gia súc, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tổ chức phát triển ngành chăn nuôi quy mô hộ gia đình và quy mô trang trại vừa và nhỏ. Chú trọng các vật nuôi có giá trị cao, phù hợp với điều kiện của địa phương như bò, heo đen, dê núi... Tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2020 tổng đàn bò đạt 2.250 con, đàn dê 800 con, heo 3.000 con và gia cầm 6.000 con.

Về lâm nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo vệ, phát triển rừng để người dân có thể sống, làm giàu từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập từ nguồn lợi của rừng bằng cách khai thác các loại lâm sản phụ như: măng le, nấm,... Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 200 hộ nghèo, cận nghèo được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích 5.000 ha. Xây dựng nghề truyền thống và thương hiệu cho các nghề truyền thống trên địa bàn xã như: mộc dân dụng, đan lát, chế tạo nỏ, sản xuất nhạc cụ truyền thống như đàn Chapi,... nhằm tăng thêm thu nhập cho người lao động, góp phần giải quyết việc làm. Theo anh Ma Nhông Nhíp, để có thể nhân rộng tiến đến xây dựng làng nghề, xã sẽ chọn 1 thôn với 30 hộ có điều kiện để mở 1 làng nghề đan lát (đan gùi, mành) để xuất khẩu, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng sang các thôn khác và tiếp tục mở các làng nghề chế tác nỏ, làm đàn Chapi,…

Nghề đan gùi truyền thống của đồng bào Raglai xã Ma Nới.

Có thể nói, qua câu chuyện với chúng tôi, là người con của đồng bào dân tộc Raglai, anh Ma Nhông Nhíp, Phó Chủ tịch UBND xã cũng rất ưu tư về nguồn lực để tạo đà cho định hướng kinh tế địa phương phát triển. Anh tâm sự: Theo ước tính, muốn tạo nên sức bật kinh tế của xã hướng đến bền vững trong giảm nghèo cho bà con từ nay đến năm 2020 phải cần trên dưới 70 tỷ đồng để đầu tư cho các chương trình, dự án... Trong đó, cần tăng cường chính sách hỗ trợ vay vốn, hay nói khác hơn là tạo điều kiện cho tất cả các hộ dân trên địa bàn xã, đặc biệt là hộ nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay, nhất là đối với các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Đây là chính sách quan trọng và thiết thực, nâng cao trách nhiệm cho các hộ gia đình được vay vốn để họ phát huy có hiệu quả nguồn vốn đã vay, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước...

Chúng tôi tin rằng, một khi đã có quyết tâm từ cấp ủy, chính quyền và lan tỏa đến người dân thì nỗi ưu tư của anh Ma Nhông Nhíp nói riêng và của người dân trong xã nói chung sẽ được cấp trên và ngành chức năng thấu hiểu, giải tỏa. Và hy vọng rằng, trong tương lai không xa, xã miền núi Ma Nới sẽ là một trong những xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh.