(NTO) Để trốn cái nắng nóng mùa hè, xế chiều cuối tuần tôi hay rong xe về thăm quê… Trong cái thời buổi cuộc sống với nhịp độ công nghiệp này, hai tiếng làng quê nghe sao mà thân thương chi lạ! Làng tôi chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số thôi, nhưng thực sự đó là vùng dân cư còn mang đậm nét quê chân chất, mặc dù cái tên thôn, tên làng đáng yêu xa xưa đã được thay bằng khu phố, tổ dân phố và nhà được đánh số từ rất lâu rồi. Đường vào làng quê hai bên vẫn là ruộng lúa, vườn nho, vẫn là những con mương nhỏ bao quanh những ngôi nhà mái ngói âm dương trong một không gian thoáng đãng cây xanh “chuối sau, cau trước”, xum xuê hoa trái quanh năm với mùa nào thức ấy. Chỉ mới cho xe vào triền đê đầu làng mà đã thấy mát rượi bốn bề!
Tôi vốn hay đùa với các bạn cùng trang lứa: tôi “cốt” nông dân, cũng từ “gốc rạ” mà ra. Có ai dám khẳng định mình là dân “phố thị” không có gốc gác từ một làng quê thân thương nào đó! Và như vậy thì, bất cứ ai trong chúng ta, người nào cũng có và phải có, một miền quê để thương, để nhớ. Về làng, dù chỉ là trưa hè được nằm trên chiếc chõng tre dưới bóng mát vườn nhà hoặc bữa cơm chiều thơm hương gạo mới ở góc sân… thì hạnh phúc chính là ở đây rồi chứ tìm đâu xa nữa! Nhưng nay thì làng quê đã khác, khác nhiều rồi, mặc dù ai cũng biết nhưng không dám nghĩ tới, không nói ra bằng lời, mà chỉ bằng thở than, tiếc nuối. Nhiều người xa quê vài ba năm, nay về thăm thì sẽ hết sức ngỡ ngàng và có thể tự nhiên thấy mình… xa lạ với quê, xóm làng bây giờ không còn như xưa nữa rồi.
Đành rằng với xu thế kinh tế phát triển sẽ là động lực phát triển đời sống văn hoá, xã hội, nhưng người ta quên mất rằng dù kinh tế có cải thiện, suy nghĩ người dân chưa mấy đổi thay, thị hiếu thẩm mỹ đi liền với phong tục tập quán của một nửa dân số sống ở làng quê sẽ ngỡ ngàng như thế nào khi được thường xuyên “tiếp sóng” với thứ văn hóa “xanh, đỏ lượn lờ”, với những giọng ka-ra-ô-kê mùi mẫn, đặc sệt rượu bia sẽ “phát huy tác dụng” như thế nào, bởi khi “hứng lên” họ có thể mở hết công suất loa mà không cần biết rằng hàng xóm có người già hoặc trẻ sơ sinh đang cần lắm một giấc ngủ trưa!
Lâu nay, có thể vì mải lo nhiều việc lớn nên làm ta quên mất rằng, nền tảng của văn hóa truyền thống ở các làng quê nếu không khéo trân trọng, bảo tồn sẽ biến dạng và bị phá vỡ. Phải làm thế nào để chúng ta gìn giữ bản sắc văn hóa, chăm chút mối quan hệ xóm làng có được trong truyền thống tốt đẹp lâu đời của văn hóa làng xã quê nhà, để không mất đi những vẻ đẹp và tính nhân văn của nó, bảo đảm cho hơi thở của làng quê luôn trong lành và ấm áp, nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của mỗi người chúng ta!
Minh Sĩ