Học tập và làm theo phong cách Bác Hồ được coi là một nội dung mới. Vậy phong cách là gì? Có thể hiểu đó là phong cách sống, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo. Thật ra, ở Bác, tư tưởng, đạo đức và phong cách hòa quyện với nhau làm một.
Phong cách sống
Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống… Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao! Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: việc cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn”...(1)
Chuyện kể về Bác Hồ có nhiều. Hàng trăm hàng ngàn chuyện. Chuyện có thật mà cứ như truyền thuyết(2).
Tết Độc lập đầu tiên (Bính Tuất 1946) và nhiều Tết sau ngày miền Bắc giải phóng (từ năm 1955 trở đi), đêm 30 nào, Bác cũng dành thời gian đi thăm gia đình đồng bào các giới. Có lần, Bác đi vào một ngõ hẹp của Thủ đô, thăm nhà một nữ lao công tên là Chín, chồng mất sớm, một mình phải tần tảo nuôi năm con. Thấy Bác bước vào, chị Chín ngẩn người trong giây lát. Rồi như chợt tỉnh, chị chạy lại ôm choàng lấy Bác, khóc nức nở. Bác vuốt nhẹ mái tóc chị: “Năm mới sắp đến. Bác đến thăm thì thím phải vui lên chứ. Sao lại khóc?”. Chị Chín vẫn nghẹn ngào: Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới nhà chúng con… mà bây giờ mẹ con cháu lại được thấy Bác ở nhà mình. Bác trìu mến nói: Bác không đến thăm những người như mẹ con thím thì còn đến thăm ai?
Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới. Anh em cảnh vệ kiếm được con ngựa, mời Bác cưỡi. Bác bảo: Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện. Anh em khẩn khoản mãi, không nỡ từ chối, Bác trả lời: Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba-lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân. Càng gần trưa, nắng càng gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng, ai cũng thấy xót lòng. Đồng chí chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô định giương lên che cho Bác. Bác quay lại hỏi: Thế chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi. Bác có phải là vua đâu.
Phong cách sống của Bác Hồ là thế.
Phong cách làm việc và lãnh đạo.
Phong cách làm việc và lãnh đạo của Bác cũng rất độc đáo.
Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Bác viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Một tác phẩm nói về việc chỉnh đốn Đảng mà trong đó, không có bất cứ từ ngữ nào to tát như chỉnh phong, chỉnh đốn đảng phong, học phong, văn phong… Bác viết dung dị, dễ hiểu. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải sửa đổi lối làm việc, sửa đổi từ tư tưởng, đạo đức đến tác phong; phải tự phê bình và sửa chữa, sửa đổi công tác cán bộ và cách lãnh đạo,…
Bác nói như vậy và đã làm đúng như vậy.
Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác mong muốn Đảng giữ vững đường lối kháng chiến, kiến quốc và sự lãnh đạo đúng đắn của mình. Chính phủ phải hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trung ương Đảng và Chính phủ đều phải sinh hoạt có nền nếp.
Sau những buổi làm việc căng thẳng, bao giờ Bác cũng tìm cách tạo ra bầu không khí tươi vui. Năm 1948, nhân ngày phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác vui vẻ ra câu đối: “Giáp phải giải Pháp”. Nhiều vị có mặt gặp thế bí. Ông Tôn Quang Phiệt nhìn Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến liền đọc vế đối: “Hiến tài hái tiền”. Bác khen vế đối hay, đạt cả ý lẫn lời. Bác tặng tác giả một điếu thuốc.
Một dịp khác, tại Hội nghị kháng chiến hành chính bàn về thuế nông nghiệp (1953), Bác lên nói chuyện và đến phần kết thúc, chỉ định luật sư Phan Anh lẩy Kiều. Luật sư hưởng ứng ngay: Diệt thù giải phóng quê ta/ Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu. Bác tiếp luôn: Đành lòng chờ đó ít lâu/Chầy ra thì cũng năm sau vội gì.
Câu lẩy Kiều của Bác khác nào một “câu sấm”. Đúng một năm sau, năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ.
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, vẫn với phong cách làm việc và lãnh đạo ấy, Bác cầm nhịp cho cuộc chiến đấu mới của nhân dân ta: Xây dựng miền Bắc vững mạnh; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; xây dựng Đảng xứng tầm đội tiên phong lãnh đạo.
Bác nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Trước lúc đi xa, Bác để lại Di chúc cho đời sau. Trước hết nói về Đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Sức truyền cảm lớn
Phong cách Hồ Chí Minh có sức truyền cảm lớn, ngay cả với bạn bè thế giới.
Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Vô-rô-si-lốp, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1957, sau khi thăm xã giao nhà riêng của Bác Hồ, vốn là căn nhà trước đây người thợ điện trong Phủ Toàn quyền cũ ở, đã thốt lên với người cùng đi: “Tôi không thể tưởng tượng được rằng một vị Chủ tịch nước, một nhà lãnh đạo nổi tiếng lại chỉ ở một cái nhà xoàng xĩnh như vậy. Hay là có chuyện đùa gì đây?”. Được trả lời đó là nhà thật, Chủ tịch bỗng trầm tư: “Nếu quả thật như vậy thì chúng ta phải suy nghĩ về những lâu đài, biệt thự của chúng ta tại Mát-xcơ-va”.
Chủ tịch Thượng nghị viện Chi-lê Xan-va-đo A-gien-đê (sau này là Tổng thống), sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tháng 5-1969, nhận xét: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại lại được kết tinh ở một con người như Hồ Chí Minh”.
Nhà báo, nhà văn Mỹ Đây-vít Hăm-bớc-xtơn, trong cuốn sách “Hồ” của mình, do nhà xuất bản Răng-đôm Hao-xơ ở Niu Oóc ấn hành năm 1971, viết:
“… Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này- hơi giống Găng-đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất cứ người nào khác ở thế kỷ này, đối với dân tộc của ông và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn ăn mặc quần áo giản đơn nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất- một phong cách mà phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông”.
Thủ tướng Nê-ru, sau cuộc tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ tháng 2-1958, nói: “Chúng ta được tiếp xúc với một người. Người đó là một phần của lịch sử châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ mà còn được tăng thêm về tầm vóc. Được gặp người ấy là một người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn”.
Nhà báo Ô-xtrây-li-a Uyn-phrết Bớc-sét viết: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”.
Theo Báo Nhân dân điện tử
(1): Sách Học tập đạo đức Hồ Chí Minh, NXB CTQG 2007, Tr.293-294.
(2): Những mẩu chuyện trong bài báo này đều trích từ những tập sách do nhiều nhà xuất bản ấn hành.