Anh hàng xóm cùng khu phố than: - Thế là mất hết ông à. - Ủa, nhà ông bị trộm hả? - Mất trộm chẳng là gì cả, đau lắm! Hỏi cho qua chuyện chứ khu phố ai chẳng biết vợ chồng họ quá “thương” con dẫn đến cơ sự này. Chẳng là, họ vốn chịu thương, chịu khó làm ăn. Đi lên từ đi lấy nước cơm, nhặt rau thừa ở chợ để nuôi heo, sau khá lên mở quán ăn nho nhỏ, dần dà phất lên giờ là nhà hàng ăn uống khá lớn. Nhờ tiết kiệm chi tiêu, thu nhập tích lũy, đến nay vốn liếng đã lên đến hàng tỷ đồng. Vợ chồng họ có cô con gái duy nhất xinh xắn. Lúc học trò khá sành điệu, được bạn bè gọi là hotgirl của trường. Nghe mọi người khen con gái, mẹ cháu rạng rỡ, bảo nó giống tôi hồi trẻ đấy. Tất tần tật, cô gái yêu cầu gì cha mẹ chiều hết. Nào xe tay ga đời mới, nào quần áo, son phấn hàng hiệu, smartphone đời mới, tiền tiêu vặt, rồi gia sư dạy kèm tại nhà… miễn sao phục vụ con học tập. Được cha mẹ chu cấp đầy đủ, cô gái học chữ thì ít, học yêu thì nhiều. Cô yêu chàng gia sư được cái mã ngoài bảnh bao, chưa học xong THPT nhưng gắn mác sinh viên đại học tốt nghiệp bằng đỏ đang chờ thủ tục đi du học nước ngoài. Thế nên đang học kỳ hai lớp mười, cô phải xin nghỉ học để giải quyết hậu quả. Mọi chuyện vỡ lở chưa biết xoay xở ra sao thì có người mách nước, họ đành xin chuyển con gái vào học một trường THPT tư thục ở TP. Hồ Chí Minh với hy vọng ngôi trường có tiếng về quản lý và dạy dỗ học trò giúp con mình trưởng thành. Được năm học, nhà trường thông báo cháu không đủ điểm để học tiếp, cha mẹ lại khăn gói tìm trường mới cho con. Tốn công, tốn của rồi cô bé cũng tốt nghiệp THPT và kiếm được tấm chồng. Cha mẹ giao cho con gái căn nhà hai lầu mặt phố để vợ chồng làm nơi buôn bán. Cứ tưởng mọi chuyện thế là ổn, ai ngờ cậu con rể vốn dân đỏ đen tham gia đường dây cá độ bóng đá xuyên Việt thua hàng tỷ đồng. Để có tiền trả, cậu ta đưa đơn ra tòa ly hôn đòi phân chia tài sản. Nguy cơ mất tài sản là cái chắc bởi căn nhà họ cho con gái đã là tài sản chung của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng cái mất lớn nhất chính là đứa con gái họ sẽ ra sao hậu ly hôn?. Vốn được chiều chuộng từ nhỏ, ham chơi bời, không có việc làm, rồi chuyện tương lai… trong khi họ không thể sống mãi để chăm lo cho con gái. Vậy nên nghe anh than, mất hết rồi mà đau lòng!?
Chuyện con gái anh làm tôi nhớ đến ngày mình được tuyển dụng vào cơ quan. Anh lớn tuổi công tác lâu năm nơi công sở dặn dò: - Chú nhớ chúng ta phải dựa vào nhau để sống!. Ô hay, việc ai nấy làm, lương ai nấy nhận, sao lại sống dựa vào nhau! Tôi nghĩ phải ít năm sau tôi mới hiểu việc anh căn dặn không thừa. Chuyện người làm không hết việc, người không có việc để làm cứ hiển nhiên lặp đi, lặp lại qua ngày, tháng. Người làm nhiều không chỉ bởi tinh thần trách nhiệm cao, mà còn vì họ thực sự làm việc hiệu quả, người không có việc hoặc ít việc bởi dựa dẫm lười biếng và năng lực chuyên môn chưa đáp ứng dù có bằng cấp hẳn hoi. Thế nhưng cuối năm bình xét ai cũng lao động tiên tiến trở lên. Thậm chí có người làm việc bình bình nhưng lại được khen thưởng, nâng lương trước thời hạn… Nghe có vẻ vô lý nhưng lại hợp lý bởi nếu không như vậy thì cơ quan sẽ không đạt xuất sắc và hệ lụy khác kéo theo.
Những người sống “gửi” hay sống dựa dẫm vào người khác hiện diện trong mỗi gia đình, nơi công sở... Họ không tạo ra sản phẩm, dịch vụ có ích cho xã hội, mà còn làm cản trở sự tiến bộ của xã hội. Lỗi dĩ nhiên ở họ nhưng có lẽ còn bởi việc giáo dục rèn luyện, cơ chế tuyển dụng quản lý và sử dụng con người còn có những kẽ hở. Và việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “Tìm người tài chứ không tìm người nhà” sẽ loại bỏ những người sống gửi tạo cơ hội cho người hiền tài phụng sự Nhân dân, đất nước.
Thanh Tâm