Phước Diêm anh hùng hôm nay

(NTO) Trở lại xã Phước Diêm (Thuận Nam) trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi ở vùng đất anh hùng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường của thế hệ đi trước, người dân Phước Diêm hôm nay ra sức thi đua lao động, sản xuất đưa kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Là xã vùng biển ở phía Nam của huyện Thuận Nam, người dân Phước Diêm sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy-hải sản. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, toàn xã có 2.669 hộ thì đã có 358 hộ là gia đình chính sách, người có công; 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang và 97 liệt sỹ, 34 thương, bệnh binh.

 

Giờ sinh hoạt của các cháu Trường Mẫu giáo Phước Diêm.Ảnh: V.M

Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ và nhân dân Phước Diêm đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đến nay, sau 42 năm giải phóng, diện mạo quê hương Phước Diêm đã thực sự “thay da đổi thịt”. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng như điện, đường, trường, trạm; nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân địa phương. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa–xã hội được quan tâm và phát triển không ngừng. Nhiều hộ dân xã Phước Diêm đã có nhà cửa khang trang, điện chiếu sáng đến tận nhà dân, 100% số hộ có tivi, xe máy, hơn 110 hộ có ô tô, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm. Với lợi thế là xã ven biển nên nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được bà con nơi đây phát triển hiệu quả. Cùng với ngư nghiệp, địa phương còn đẩy mạnh các ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Hằng năm, toàn xã thu trên 21 tỷ đồng từ sản xuất muối, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Diêm, cho biết: Hiện nay, toàn xã có 511 tàu thuyền, với tổng công suất 98.000 CV. Ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại và liên kết thành lập 61 tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ nhau trong khai thác hải sản, giúp nhau lúc bị nạn và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; hằng năm sản lượng đánh bắt hải sản đạt trên 27.000 tấn. Bên cạnh đánh bắt hải sản, nông dân Phước Diêm đã tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên đầu tư nuôi trồng rong rụn đem lại thu nhập đáng kể. Chỉ tính trong quý I-2017, sản lượng đạt 150 tấn rong sụn tươi, bằng 41% chỉ tiêu trong năm. Ngoài ra, nghề chế biến nước mắm, hấp khô hải sản cũng tận dụng được nguồn nguyên liệu trên địa bàn để sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm mang lại nguồn thu đáng kể cho ngư dân.

Ngư dân xã Phước Diêm đánh bắt cá vụ nam. Ảnh: Sơn Ngọc

Về Phước Diêm hôm nay không chỉ thấy đời sống của người dân được nâng cao, mà diện mạo nông thôn cũng có nhiều đổi mới. Đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện nên người dân có điều kiện chăm lo cho con em học hành; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được chú trọng. Hiện nay, hộ nghèo toàn xã giảm còn 2,06% (giảm 1,24% so với năm 2011). Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông Võ Văn Vũ, người dân thôn Thương Diêm 2 tự hào chia sẻ: Sau ngày giải phóng, đời sống kinh tế của bà con trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên địa phương được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khang trang hơn, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định và khấm khá. Tôi rất tự hào trước những đổi thay của quê hương mình.