Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Chiều 19/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Dự thảo Nghị định này nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết sau 3 năm thực hiện Nghị định 210, chỉ thu hút được 64 dự án ở 23, tỉnh, thành phố, trong đó phần nhiều là các dự án của DN đăng ký thêm. Ngoài ra, Nghị định quy định nhà nước hỗ trợ vốn nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn bố trí cho 64 dự án này sau mỗi năm bị bớt đi một nửa.
Theo cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT, dự thảo Nghị định mới tập trung vào các vấn đề: mở rộng diện DN, dự án được Nhà nước hỗ trợ; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; bổ sung cơ chế hỗ trợ DN trong các giai đoạn phát triển thị trường, làm thương hiệu, hỗ trợ sản phẩm có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu số liệu cả nước chỉ có 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp và chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh.
Về nguyên nhân của thực trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng đầu tiên là vướng mắc về đất đai. “Chúng ta còn lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất và thêm vào đó là chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai. Vì vậy nhiều DN không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Thứ hai là chính quyền địa phương dễ thay đổi về quy hoạch sử dụng đất, gây ra rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của DN. Thứ ba, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả khiến ngân hàng không thể cho DN vay vốn.
Tiếp nữa, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, muốn kêu gọi DN đầu tư thì Nhà nước phải có các giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm bằng cách phát triển thị trường buôn bán, sàn giao dịch nông sản. Có các định chế này thì DN mới yên tâm.
Các ý kiến tại cuộc họp đều đánh giá Nghị định 210/2013/NĐ-CP chưa giải quyết được những vướng mắc trên nên kết quả hạn chế. “Nhiều DN nói họ không cần tiền hỗ trợ của Nhà nước; quan trọng phải là phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và trong khu vực này nảy nở ngày càng nhiều DN hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị đổi tên dự thảo thành Nghị định về phát triển DN trong nông nghiệp, nông thôn thay vì chỉ có khuyến khích DN đầu tư khi nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã có năng lực sản xuất lớn nhưng chưa phát triển thành DN. Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo cần đặt vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Về một số quy định về hỗ trợ vốn của dự thảo Nghị định, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: “Nhà nước bỏ ra ít thôi, hoặc không bỏ thêm ra mà chỉ có thể là bớt thu từ thuế, hỗ trợ tín dụng, đất đai”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan soạn thảo hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, lưu ý việc cập nhật các nội dung của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự kiến được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 3) và các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 về thể chế kinh tế thị trường. Trong đó, coi trọng các nội dung về tạo thuận lợi thương mại, mở rộng đối tượng điều chỉnh, quy định công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội đàm với Phó Thủ tướng Campuchia Ke Kim Yan
Ngày 19/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã hội đàm với Phó Thủ tướng Campuchia Ke Kim Yan, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống ma túy Campuchia.
Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao chuyến thăm của các thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống ma túy Campuchia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương biện pháp tích cực, toàn diện, đồng bộ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn do ma túy gây ra và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Chính phủ Việt Nam coi trọng và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực, nhất là các nước có chung đường biên giới nhằm đấu tranh hiệu quả trước vấn đề ma túy; chủ động, tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác song phương cũng như đa phương trong khu vực và trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam cũng đang gặp phải thách thức khi lượng ma túy thẩm lậu vào trong nước còn lớn, chưa ngăn chặn được; việc quản lý và tổ chức điều trị cho người nghiện, nhất là cho số sử dụng ma túy tổng hợp còn gặp khó khăn; nhu cầu nguồn lực cho phòng, chống ma túy lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế.
Trong khi đó, sự gia tăng sức sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy ở khu vực đòi hỏi các nước tăng cường nỗ lực kiểm soát ma túy và tham gia một cách tích cực các hoạt động hợp tác trong khu vực để giải quyết vấn đề này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy giữa Việt Nam và Campuchia có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với mỗi nước mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy của khu vực.
Phó Thủ tướng Campuchia Ke Kim Yan cho biết, thời gian qua, tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển ma túy tại Campuchia và tình hình người dân sử dụng ma túy ở đây vẫn còn diễn biến phức tạp; cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của các lực lượng chức năng Việt Nam trong việc phối hợp điều tra, xác minh, phát hiện nhiều đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển xuyên biên giới trong thời gian qua.
Hai Phó Thủ tướng cùng nhất trí đẩy mạnh công tác phối hợp phòng, chống ma túy giữa hai nước. Cụ thể là chỉ đạo các cơ quan chức năng ở trong nước và các tỉnh có chung đường biên giới tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong điều tra, phát hiện, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy giữa hai nước; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các lĩnh vực phòng, chống ma túy; hỗ trợ nhau trong đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy; phối hợp trong các diễn đàn hợp tác đa phương phòng, chống ma túy.
Thông qua hội đàm, hai Phó Thủ tướng tin tưởng sự hợp tác giữa hai Chính phủ và công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng phòng chống ma túy hai nước thời gian tới sẽ được gắn kết chặt chẽ hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy của mỗi nước. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh công tác phối hợp phòng chống ma túy giữa hai nước trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tỉnh có chung đường biên giới tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong điều tra, phát hiện, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.
Nguồn Văn phòng Chính phủ