Ông Trương Tấn Lâm, làm giàu từ ý chí và nghị lực của một nông dân

(NTO) Về thôn Ấn Đạt (xã Lợi Hải, Thuận Bắc), khi hỏi nhà ông Trương Tấn Lâm (48 tuổi) bà con trong thôn ai cũng biết và tận tình chỉ dẫn. Người dân nơi đây luôn khen ngợi, khâm phục nghị lực vươn lên, ý chí, sự quyết tâm làm giàu và xem ông như một tấm gương điển hình để học hỏi. Từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều khó khăn, vất vả, ông Lâm đã gầy dựng một cơ ngơi khang trang mà ai cũng ao ước.

Nhớ về thời gian cơ cực trước đây, ông Lâm chia sẻ: “Ngày trước, gia đình rất nghèo, tôi đi làm thuê, mong được “cơm no” mỗi ngày. Tôi làm tất cả công việc khi có người thuê, từ chăn bò, làm ruộng…Nghĩ về thời gian qua, là cả một chặng đường dài và vất vả, tôi có được ngày hôm nay, một phần cũng là do may mắn. Làm kinh tế không chỉ cần sự chịu khó, học hỏi, mà còn phải biết nắm bắt thời cơ”.

Năm 1990, có được số tiền dành dụm từ việc làm thuê, ông Lâm mua 5 con bò về nuôi. Vài năm sau, nhận thấy cừu đang được giá, ông bán đàn bò, vay mượn thêm người thân, mạnh dạn mua 100 con cừu. Nhờ chịu khó, biết tận dụng đồng cỏ trong vùng, siêng năng chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm nuôi cừu từ những người xung quanh nên đàn cừu của ông Lâm phát triển khá tốt. Đến năm 2000, ông bán 100 con cừu, với giá 6 triệu đồng/con, thu về tổng số tiền hơn 600 triệu đồng, rồi tiếp tục mua 150 con bò, 10 ha đất nông nghiệp trồng lúa, hoa màu. Vì khu vực sản xuất của ông chủ động được nguồn nước từ hồ Sông Trâu và hồ Bà Râu nên lúa, hoa màu phát triển khá tốt, năng suất lúa bình quân đạt từ 7-8 tấn/ha/vụ, cao nhất nhì trong vùng. Trong sản xuất, ông Lâm luôn chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Điển hình, trong đợt hạn hán vừa qua, ông đã chủ động đào 2 ao lớn để có nước phục vụ sản xuất và cho gia súc uống. Nhờ vậy, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, đàn bò và diện tích lúa, hoa màu của ông không ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, ông tận dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp từ các hoa màu để làm thức ăn cho gia súc. Mỗi năm, ông bán hơn 20 con bò, giá 10-15 triệu đồng/con, thu nhập trên 300 triệu đồng.

Là một người có ý chí, luôn quyết tâm làm ăn, có được số vốn lớn, năm 2005, ông Lâm quyết định đầu tư thành lập Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng và Thương mại Trường Triệu, chuyên cung cấp, buôn bán vật liệu xây dựng. Vì chưa có kinh nghiệm, nên kinh doanh là một bước đi khá “táo bạo” đối với ông, nhưng nhờ cần cù, chịu khó, công việc mới của ông tiến triển tốt đẹp. Hiện nay, ông Lâm đã có “gia tài” đồ sộ: một ngôi nhà khang trang, hơn 15ha trồng lúa và hoa màu; đàn bò trên 100 con; 3 xe tải, 3 máy xúc, 3 máy cày…để phục vụ sản xuất và cho thuê, tổng thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Đồng thời tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Vì từng trải qua thời gian nghèo khó nên ông Lâm luôn thấu hiểu và chia sẻ đối với mọi người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo tại địa phương. Ông cho nhiều người vay vốn không lấy lãi với khoản vay từ 10-50 triệu đồng; đồng thời hướng dẫn họ làm kinh tế, một số người được ông Lâm cho vay vốn làm ăn, đến nay đã có cuộc sống ổn định.

Đồng chí Võ Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Hải cho biết: “ Ông Trương Tấn Lâm là một nông dân có ý chí vươn lên làm giàu. Dù trở thành “triệu phú”, ông luôn sống giản dị, hòa đồng với mọi người và sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn hoạn nạn. Khi địa phương vận động đóng góp các phong trào như: Ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ…ông luôn sẵn sàng tham gia”...