(NTO) Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của ngành, đồng thời căn cứ tình hình thực tế của tỉnh để đầu tư tín dụng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Mặt khác, thực hiện các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình vay vốn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, áp dụng đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm...
Khai thông dòng chảy vốn huy động và đầu tư tín dụng
Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến cuối quý I-2017, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 8.920 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong đó, dòng tiền gửi tiết kiệm từ khu vực dân cư trên 6.870 tỷ đồng, chiếm 77,02% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 4,65% so với cuối năm 2016. Đáng nói là dòng chảy của vốn đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh có chiều hướng tích cực hơn so cùng thời gian này năm trước với tổng dư nợ tính đến ngày 31-3-2017 đạt trên 15.150 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ và tăng 2,3% so với cuối năm 2016. Trong đó, các ngân hàng đã chú trọng đầu tư chiều sâu vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển tốt, theo đó, cho vay trung, dài hạn đạt 7.900 tỷ đồng, chiếm 52,15% và tăng 2,56% so với cuối năm 2016; cho vay ngắn hạn đạt 7.250 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,85% trong tổng dư nợ và tăng 2,01% so với cuối năm 2016. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn chú trọng đầu tư tín dụng theo các cơ chế chính sách của Chính phủ và của ngành trên địa bàn như đầu tư cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
BIDV Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Cụ thể là trong quý I-2017, có thêm 4 ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá với tổng vốn đầu tư dự kiến là 50 tỷ đồng, vốn vay dự kiến 47,5 tỷ đồng, nâng tổng số từ đầu chương trình đến nay toàn tỉnh đã có 44 ngư dân được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và 89 của Chính phủ. Trong đó, huyện Ninh Hải 19 chiếc, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 16 chiếc và huyện Thuận Nam 9 chiếc. Trong số này, có 26 ngư dân đã ký hợp đồng tín dụng với số tiền cam kết cho vay trên 209,6 tỷ đồng, đã giải ngân 166,89 tỷ đồng, đạt 79,6%; 7 ngư dân đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để ký hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ với doanh số cho vay ước đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2016, nâng tổng dư nợ đến cuối tháng 3-2017 đạt trên 4.260 tỷ đồng/41.020 khách hàng (KH), tăng 615 tỷ đồng (tăng 16,87%) so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn 2.330 tỷ đồng, chiếm 54,7% dư nợ cho vay NNNT; dư nợ trung và dài hạn 1.930 tỷ đồng, chiếm 45,3%. Mặt khác, các ngân hàng cũng chú trọng đến nâng hạng mức cho vay không có tài sản bảo đảm với dư nợ lên trên 1.345 tỷ đồng/29.440 KH, chiếm 31,6% trong dư nợ cho vay NNNT. Góp phần tích cực vào phát triển nông thôn mới, các ngân hàng cũng đã ưu tiên dòng vốn đầu tư với dư nợ đạt trên 3.225 tỷ đồng/102.400 KH, tăng 288 tỷ đồng (tăng 9,8%) so với cùng kỳ.
Ngành Ngân hàng còn phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại và kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đầu năm 2017. Thông qua Hội nghị, 4 chi nhánh Ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng với 14 doanh nghiệp, với số tiền cam kết cho vay trên 1.700 tỷ đồng. Tính đến nay, các NHTM đã giải ngân được 225 tỷ đồng. Hiện nay, các NHTM trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, xác định đối tượng doanh nghiệp đang có khó khăn và có các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý. Đơn cử như, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong quý I-2017, các TCTD trên địa bàn đã tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 18 hợp đồng tín dụng (HĐTD)/2,164 tỷ đồng, nâng tổng số từ khi thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP từ tháng 5-2012 đến nay là 5.614 HĐTD/1.863 tỷ đồng. Đồng thời miễn, giảm lãi vay cho 1.018 HĐTD/36,48 tỷ đồng...
Gắn hỗ trợ khách hàng với bảo đảm chất lượng tín dụng
Phát huy những kết quả đạt được, trong quý II-2017 các NHTM trên địa bàn tỉnh xác định tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng trọng điểm đang triển khai cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khắc phục hạn hán, mưa lũ cuối năm 2016; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế”. Để bảo đảm chất lượng tín dụng, trong đó giám sát chặt chẽ nợ xấu và xử lý nợ xấu đạt mục tiêu cuối năm dưới mức 2%... ngành triển khai kế hoạch thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, vi phạm pháp luật, kết quả kinh doanh, tình hình tài chính, vốn tự có, các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động và công tác quản trị, điều hành của các tổ chực tín dụng, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mai Dũng