Phát triển BHXH không thể đứng ngoài xu thế chung

Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam phải phù hợp với quy luật, xu hướng chung của thế giới, có tính đến tốc độ già hóa dân số và cần đồng bộ với những chính sách xã hội bảo đảm bảo các dịch vụ thiết yếu cho mọi người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các nguyên tắc này tại hội thảo quốc tế về “Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội-Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam” do Bộ LĐTB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29/3.

Nhiều bất cập, khác biệt

Ông Vũ Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) cho biết nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH đang dần trở thành hiện thực nếu không có sự điều chỉnh về chính sách.

Hiện có những cách tính khác nhau về số người tham gia BHXH, nhưng dù theo cách tính nào thì tỷ lệ người tham gia BHXH ở Việt Nam hiện vẫn rất thấp. Trong tổng số 54 triệu lao động, có khoảng 13 triệu người đang đóng BHXH. Trong khi số người được Quỹ BHXH chi trả có khoảng 6 triệu người đang hưởng lương hưu, BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng và khoảng 4-5 triệu người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn.

Không chỉ vậy, các quy định về mức lương tối đa để đóng BHXH, mức hưởng lương hưu của Việt Nam cũng có nhiều khác biệt so với nhiều nước khác.

Đơn cử, dù có tỷ lệ lương để đóng BHXH không chênh lệch lớn nhưng một số nước (Đức, Trung Quốc) quy định mức trần tiền lương đóng BHXH không quá 2-3 lần tiền lương trung bình của xã hội, còn ILO khuyến nghị không quá 10 lần mức lương cơ sở, thì ở Việt Nam, người lao động có thể đóng BHXH ở mức trần tiền lương gấp 20 lần lương cơ sở (tương đương 6 lần mức lương trung bình của xã hội).

Với mức đóng như vậy, ở Trung Quốc người đóng BHXH được hưởng mức lương hưu tương đương 35% mức lương đóng; ở Đức tỷ lệ này là 30%; còn ở Việt Nam là 70%.

“Mức đóng và tỷ lệ hưởng như trên cùng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ khi các điều chỉnh chính sách BHXH thường có độ trễ tới 20 năm”, ông Giang khuyến nghị.

Nhiều ý kiến tại hội thảo nêu ra tồn tại trong thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam như việc DN nợ, trốn đóng BHXH; lao động nhiều ngành sản xuất như may mặc, da giày, thủy sản thường nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi quy định nên quyền lợi khó được bảo đảm. Trong khi đại diện một số DN lại cho rằng mức đóng BHXH ở Việt Nam còn cao, thủ tục tham gia chưa đơn giản, thuận tiện.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Lao động xã hội, nêu thực tế có một tỷ lệ rất lớn lao động tự do muốn tham gia BHXH nhưng số người có thể đóng được lại rất ít, vì vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho đối tượng này.

Để tăng diện bao phủ BHXH, nhiều đại biểu cho rằng cần giao chỉ tiêu phát triển BHXH cho địa phương, gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và BHXH; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia BHXH; xây dựng các chính sách linh hoạt như “con đóng BHXH, bố mẹ được hưởng lương hưu” hỗ trợ DN đóng đầy đủ BHXH cho lao động được tiếp cận các chương trình ưu đãi của Nhà nước, từ đó tạo thói quen tham gia BHXH…

Kết hợp nhiều phương án

Cung cấp kinh nghiệm từ các quốc gia, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết việc nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH là vấn đề khó khăn trên toàn thế giới và thường phụ thuộc vào thu nhập. Các nước gặp thách thức về diện bao phủ thấp, mức lương hưu thấp và thiếu tính ổn định trong việc duy trì BHXH.

Do vậy, để tăng tỷ lệ tham gia BHXH, nhiều phương án thường sử dụng sự kết hợp từ chính sách đóng bắt buộc đến ưu đãi thuế khuyến khích tiết kiệm cá nhân vì mục đích hưu trí; Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH cùng người lao động hoặc trợ cấp trực tiếp cho một số đối tượng mà không đòi hỏi đóng góp.

Từ thực tiễn của Việt Nam, nhóm chuyên gia WB khuyến nghị ưu tiên mở rộng bao phủ BHXH ở khu vực chính thức để tăng tỷ lệ người tham gia từ 11 triệu người lên 17,8 triệu; tiếp đến là cần các giải pháp tăng tỷ lệ lao động tự do tham gia BHXH sự hỗ trợ của Nhà nước; phát triển các chương trình hưu trí bổ sung, đồng thời phải hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, tăng hiệu quả đầu tư quỹ hưu trí.

Có đặc thù nhưng không khác quốc tế

Qua các ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chắc chắn phải có những thay đổi rất căn bản trong chính sách BHXH ở Việt Nam theo quy luật, xu hướng quốc tế gắn với việc tăng diện bao phủ.

Theo Phó Thủ tướng, cũng như các quốc gia khác, việc phát triển, thực hiện chính sách BHXH, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam có những đặc thù.

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là phải chăm lo cho toàn dân, đặc biệt là quan tâm đến những đối tượng yếu thế, người có công, đến chủ trương đầu tư hạ tầng, các công trình công cộng cho vùng sâu, vùng xa chứ không chỉ ở những khu vực phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc khi thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam. Đó là phương pháp tiếp cận, giải pháp đề ra vẫn cơ bản phải phù hợp với quy luật, xu hướng chung của thế giới; cần tính đến thực tế Việt Nam sẽ là một quốc gia có tình trạng già hóa dân số rất nhanh; và phải đồng bộ với tất cả các chính sách về xã hội như giáo dục, y tế để bảo đảm bảo các dịch vụ thiết yếu cho mọi người dân.

“Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc các nước trên thế giới có rất nhiều kinh nghiệm thành công cũng như không thành công trong thực hiện chính sách BHXH. Có rất nhiều giải pháp khác nhau nhưng không một giải pháp nào mà chúng ta có thể sao chép một cách đơn giản”, Phó Thủ tướng nói.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Chuẩn hóa số liệu, đổi mới cách làm

Nói về một số việc cần làm ngay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp nghiên cứu, chuẩn hóa tất cả những số liệu, khái niệm trong lĩnh vực BHXH theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế như lực lượng lao động, người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội cho người nghèo, người khuyết tật… Từ đó đưa ra báo cáo, đánh giá chính xác về tình hình thực hiện BHXH ở Việt Nam.

Trong phát triển BHXH bắt buộc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam thay đổi cách thức giao kế hoạch phát triển BHXH hằng năm không chỉ theo số thu mà còn phải theo đối tượng, đến từng cá nhân cụ thể, những người trực tiếp đóng và hưởng chế độ BHXH.

“Chúng ta nắm được số liệu hoàn toàn chắc chắn về số lao động thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc. Hiện còn khoảng 20% chưa đóng thì nhất định phải có các giải pháp rất toàn diện từ vận động, kiểm tra, thanh tra cho đến việc khởi kiện ra tòa DN nợ, trốn đóng BHXH. Vì đây là quyền lợi của người lao động”, Phó Thủ tướng nêu rõ và đề nghị cơ quan BHXH phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, quan trọng không kém là vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đoàn thể trong việc thông tin, phổ biến quy định pháp luật để người lao động biết được quyền lợi của mình về BHXH để yêu cầu và giám sát, thông tin cho các cơ quan Nhà nước về việc tuân thủ của người sử dụng lao động.

Về công tác phát triển BHXH tự nguyện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc lại nhiều bài học kinh nghiệm khi phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) để có thể nâng tỷ lệ bao phủ lên 82% ở thời điểm hiện tại cho dù 3-4 năm trước ít người nghĩ rằng tỷ lệ người dân tham BHYT có thể đạt 80% vào năm 2020 như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo đó, người mua bảo hiểm được coi là khách hàng; có cơ chế phát triển mạnh mẽ các hình thức để các DN, đại lý cùng tham gia vào vận động bán bảo hiểm tự nguyện; giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển BHXH gắn với trách nhiệm địa phương.

“Giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện thì khó hơn BHYT nhưng cần có hình thức giao trách nhiệm cho các chính quyền địa phương. Vì cơ quan quản lý lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn là sát nhất với DN”.

Tận dụng tối đa công nghệ thông tin

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý cần phải đổi mới trong công tác quản lý lao động ở Bộ LĐTB&XH và quản lý quỹ BHXH của BHXH Việt Nam theo xu hướng thế giới và áp dụng, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin (CNTT).

“Vừa rồi BHXH Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả hệ thống giám định tự động BHYT qua hình thức thuê dịch vụ. Bộ LĐTB&XH cần đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT đối với các lĩnh vực công tác quản lý Nhà nước của mình trong đó có lĩnh vực lao động, BHXH. Làm được như vậy các đồng chí sẽ trả lời được câu hỏi làm sao để nắm thông tin chính xác về lao động mà không phải qua Tổng cục Thống kê”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh phát triển BHXH liên quan đến toàn dân và có tính toàn diện, Phó Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và cả các đoàn thể cần vào cuộc mạnh mẽ để làm cho mọi người dân hiểu được lợi ích rất lâu dài của việc tham gia BHXH để bảo đảm sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội.

“Tất cả những điều này đều liên quan và rất cần một bước chuyển mạnh tiếp theo của cải cách thủ tục hành chính không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm mà cả môi trường đầu tư, kinh doanh. Đơn cử nếu các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lập DN hay DN nhỏ mở rộng quy mô sản xuất thì vừa có thêm người lao động tham gia BHXH và người lao động sẽ được quản lý tốt hơn. Chúng ta sẽ có các biện pháp, vận động họ tham gia BHXH hiệu quả hơn. Một ví dụ như vậy để thấy chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính trong tất cả mọi lĩnh vực”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nguồn www.chinhphu.vn