Phước Thái trên đường đổi mới

(NTO) Trở lại xã Phước Thái (Ninh Phước) trong những ngày cuối tháng 3, khi địa phương đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự đổi mới ở vùng đất anh hùng này...

 
Xã Phước Thái huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.M

Phước Thái có 8 thôn, hơn 2.516 hộ, với trên 10.390 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Chăm chiếm 61,63% dân số toàn xã. Đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Qua 42 năm đất nước hòa bình, thống nhất, 25 năm tái lập tỉnh nhà, nhìn lại thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, có thể nói địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, khi địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2010 đến nay. Qua các năm thực hiện, Phước Thái đã đạt chuẩn NTM, tạo “cú huých” cho người dân nơi đây có điều kiện mở rộng sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Nhiều mô hình mới, kỹ thuật tiên tiến được bà con áp dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập cho người dân. Điển hình như hiệu quả của mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đã giảm được lượng giống gieo sạ bình quân 100 kg/ha, tiết kiệm được phân đạm gần 40 kg/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 3 lần/vụ, năng suất cao hơn ruộng đối chứng 900 kg/ha, góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ hơn 7,5 triệu đồng/ha.... Cũng từ những thành tựu về phát triển nông nghiệp mà nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng trên phần đất của gia đình mình... Đến thăm gia đình bà Trần Thị Thu Bông (thôn Đá Trắng) là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, bà Bông phấn khởi: Từ năm 2003 đến nay, được sự hướng dẫn và giúp đỡ của địa phương, gia đình đã chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Trên diện tích sản xuất 1,5 ha, gia đình sản xuất luân canh theo mùa vụ như trồng lúa, hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, gia đình còn nuôi 50 con dê cái, 5 con bò cái sinh sản và 200 con gà mái đẻ lấy trứng… để tăng thêm thu nhập, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình còn lãi trên 120 triệu đồng…

Nông dân xã Phước Thái đầu tư đưa thiết bị cơ giới vào sản xuất. Ảnh: Sơn Ngọc

Ngoài ra, từ những thành tựu trong xây dựng NTM, người dân được hưởng lợi từ nhiều công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh, đơn cử như: Đến nay trên địa bàn xã có 4 trường học được quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo đủ phòng và cơ sở phục vụ nhu cầu giáo dục tại địa phương; 1 chợ đầu mối đưa vào hoạt động đầu năm 2016; các công trình thủy lợi với hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; các dịch vụ phục vụ nhu cầu cho người dân như: dịch vụ xe khách, ngành nghề gia công sắt, thép của nhiều hộ cũng được phát triển… qua đó góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người từ 8 triệu đồng năm 2011, đến nay trên 24 triệu đồng/người/năm….

Đồng chí Lưu Văn Thủy phấn khởi cho biết thêm: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, trong thời gian tới, nhất là trong năm 2017, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở địa phương, gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, trong đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Toàn xã tập trung, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng như: Đường giao thông nội thôn, nội đồng và một số công trình phúc lợi phục vụ dân sinh. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, với tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30-40%, góp phần tăng thu nhập, giúp Nhân dân thoát nghèo nhanh và bền vững. Phấn đấu trong năm 2017, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,8% xuống còn 14%...