Hình thành vùng nguyên liệu công nghiệp chế biến
Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện Ninh Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp trong 5 năm (2010-2015) đạt 405,28 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 8,8%; một số cây trồng chủ lực bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Trong đó, cây mía và mì được xác định là 2 cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ ổn định và là vùng nguyên liệu phục vụ cho 2 Nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, trong đó Nhà máy tinh bột mì “đứng chân” trên vùng nguyên liệu Ninh Sơn. Theo lãnh đạo địa phương cho biết, vùng nguyên liệu mía, mì tập trung phát triển ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn.
Nông dân xã Hòa Sơn vào mùa thu hoạch mía đường niên vụ 2016- 2017.
Những năm gần đây, cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, nông dân và doanh nghiệp đầu tư trong chuỗi liên kết “4 nhà” đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như lựa chọn các giống mới có năng suất cao, cơ giới hóa vào khâu làm đất đạt 100%; từng bước đưa công nghệ tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời vào sản xuất mía…, góp phần giảm chi phí nhân công lao động, tăng hiệu quả cây trồng. Chỉ tính trong năm 2016, toàn huyện đạt tổng diện tích gieo trồng trên 23.546 ha, vượt 5,1% kế hoạch, tăng 4,49% so với cùng kỳ. Trong đó, cây mì trồng 2.432,8 ha, vượt 5,77% kế hoạch năm, tăng 4,32%; cây mía trồng 2.991,7 ha, vượt 10,8% kế hoạch năm, tăng 14,76% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, “điểm yếu” trong sản xuất là mặc dù diện tích tăng nhưng năng suất nhiều loại cây trồng vẫn “dậm chân tại chỗ” mà nguyên nhân cơ bản là nhiều nông dân chưa mạnh dạn đầu tư đúng mức cho cây trồng, nhất là ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Đơn cử như với 2 cây công nghiệp chủ lực: cây mì năng suất bình quân (NSBQ) năm qua cũng chỉ đạt trên 20,3 tấn/ha, hay cây mía, NSBQ chỉ đạt 51,5 tấn/ha, trong khi một số tỉnh NSBQ đã đạt gấp đôi, thậm chí như tỉnh lân cận Khánh Hòa nhiều vùng nguyên liệu mía đường đã đạt năng suất trên dưới 100 tấn/ha... Cân phân mà nói, năng suất cây trồng thấp còn có nguyên nhân khác là do diện tích sản xuất của 2 loại cây trồng này nằm ở những vùng đất gò đồi, không chủ động nước tưới chiếm 60-70%, thời kỳ thu hoạch thường vào mùa khô, nên hàng năm vẫn thường xảy ra áp lực thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm... Thế nhưng nếu các ngành, địa phương và doanh nghiệp chế biến có giải pháp giải quyết một cách căn cơ thì sẽ không quá khó để khắc phục.
Hiệu quả kinh tế từ cây mì đã góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Ảnh: Mai Dũng
Hiện thực hóa lợi thế kinh tế
Để khai thác cao nhất tiềm năng lợi thế hiện có, trong giai đoạn mới, Ninh Sơn chọn con đường phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả, từng bước hiện đại, bền vững và gắn với chế biến trên cơ sở xác định các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ ổn định. Theo đó, định hướng phát triển 2 cây trồng chủ lực mía và mì đến năm 2020. Cụ thể, đối với cây mía, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung tại các địa phương vốn có truyền thống như Quảng Sơn, Hòa Sơn, Lâm Sơn... theo hướng thâm canh cao, đưa cơ giới vào sản xuất, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ kỹ thuật vào sản xuất. Chỉ đạo sản xuất theo từng vùng, khu vực, giãn thời gian gieo trồng và thu hoạch để giảm áp lực thu mua nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2020 diện tích đạt khoảng 3.300 ha, nâng năng suất lên trên 65,2 tấn/ha, sản lượng 215.160 tấn, đảm bảo nguyên liệu chế biến cho nhà máy đường. Đối với vùng nguyên liệu mì, định hướng đến năm 2020 đạt 2.541 ha, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tưới nước tiết kiệm… để tác động nâng năng suất mì lên 27 tấn/ha. Mặc khác, ứng dụng kỹ thuật luân canh, xen canh, tăng vụ các loại cây họ đậu (đạt 30% diện tích), vừa đảm bảo việc cải tạo tăng độ phì cho đất, đồng thời tăng khả năng sử dụng đất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân... Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân trồng rải vụ một cách hợp lý, trên cơ sở liên kết, ký kết hợp đồng với Nhà máy tinh bột mì để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến...
Nông dân thôn Tầm Ngân 1 (Lâm Sơn, Ninh Sơn) phát triển giống ớt Hàn Quốc
cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M
Có thể nói, trong hành trình phát triển cùng với các địa phương trong tỉnh, Ninh Sơn đã từng bước khai thác tiềm năng kinh tế sẵn có thành nguồn lực phát triển, tạo điều kiện để người dân vươn lên làm giàu, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới nói riêng, dần hiện thực hóa “khát vọng” đưa huyện nhà trở thành trung tâm cây công nghiệp của tỉnh.
Mai Dũng