Khí phách của những Bà mẹ VNAH không chỉ là tấm gương sáng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do, mà còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.
Đoàn phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thăm hỏi, động viên Mẹ VNAH Trần Thị Gìn.
Sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ VNAH
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều, trí nhớ cũng không còn minh mẫn nhưng trong sâu thẳm từ đáy lòng Mẹ VNAH Trần Thị Gìn, phường Văn Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) vẫn còn nhớ da diết người chồng, người con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chồng Mẹ Gìn là Liệt sỹ Nguyên Giai đã hy sinh tại núi Cà Đú vào năm 1973. Khi biết tin chồng hy sinh cũng là lúc bao nhiêu nỗi đau giằng xé trong lòng Mẹ, mất đi người chồng, người cha của 6 đứa con là nỗi đau đến nay vẫn chưa nguôi trong lòng của Mẹ. Nén nỗi đau thương, Mẹ Gìn vẫn quyết tâm theo cách mạng, ngày đêm tham gia tiếp tế lương thực cho bộ đội hoạt động tại căn cứ núi Cà Đú; đồng thời, tiếp tục động viên người con trai là Nguyễn Mười lên đường tham gia chiến đấu. Nhưng tin dữ lại một lần nữa ập đến với Mẹ, khi biết tin anh Mười đã hy sinh trước ngày giải phóng không bao lâu…
42 năm đất nước được thống nhất nhưng tình thương của Mẹ dành cho chồng, cho con vẫn còn như mới ngày hôm qua. Giờ đây trong cuộc sống đời thường, Mẹ luôn răn dạy các con, cháu phải luôn phát huy truyền thống của gia đình cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện Mẹ Gìn đang sống chung với con trai út trong căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Hằng năm được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, tặng quà và phụng dưỡng đã làm cho Mẹ Gìn cảm thấy ấm lòng hơn.
Mẹ VNAH Cao Thị Thiệt bồi hồi nhớ lại hình ảnh của chồng, con.
Mẹ VNAH Cao Thị Thiệt ở xã Lương Sơn (Ninh Sơn). Tuy đã đã ở tuổi 84 nhưng Mẹ Thiệt vẫn còn khá nhanh nhẹn. Rót tách trà mời chúng tôi, Mẹ kể về những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt, mất mát và hy sinh. Mẹ Thiệt quê ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định), những năm tháng chiến tranh, nơi đây là chiến trường rất ác liệt giữa ta và địch, chồng Mẹ là Liệt sỹ Trần Hoa tham gia chiến đấu tại đây và đã hy sinh vào năm 1968 để lại Mẹ và 6 người con. Kể đến đây giọng Mẹ như chùng xuống, hình ảnh của chồng ùa về khiến đôi mắt Mẹ ngân ngấn nước mắt, nỗi nhớ chồng càng thêm trào dâng... Thế rồi, người con trai đầu là Trần Huyến theo gương cha quyết định lên đường tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng rồi chiến tranh cũng đã cướp đi người con trai yêu quý của Mẹ Thiệt vào năm 1972, khi đó anh mới 19 tuổi. Nỗi đau càng thêm sâu cắt đối với Mẹ khi thi thể anh đã không được tìm thấy. Hơn 40 năm qua, ngày ngày Mẹ vẫn mong ngóng tin tức về nơi anh ngã xuống. Nhưng rồi vào năm 2015, niềm vui đến với Mẹ khi một người dân địa phương báo tin nơi anh hy sinh, Mẹ Thiệt bồi hồi nhớ lại: Nhìn những kỷ vật mà con mang theo khi chiến đấu, tôi không thể nào cầm được lòng, hình ảnh con như mới ngày hôm qua, vẫn chiếc áo và đồ dùng mang theo khi còn ở nhà. Nay Mẹ đã ấm lòng khi đã tìm được mộ phần của con sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc.
Mẹ Thiệt chuyển vào sinh sống tại Ninh Thuận được 25 năm cùng với người con trai. Giờ đây, Mẹ Thiệt có cuộc sống đầm ấm bên con cháu cùng với sự quan tâm, phụng dưỡng của các cấp chính quyền, đoàn thể đã làm Mẹ an lòng hơn.
Chăm lo, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH
Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta, những năm qua, chính sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân dân là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các Bà mẹ VNAH. Theo thống kê, tỉnh ta có 469 Bà mẹ VNAH, trong đó có 15 Mẹ còn sống. Thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức xác lập nhiều hồ sơ đề nghị phong và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ VNAH”, các Mẹ đã được các đơn vị, tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh nhận đỡ đầu phụng dưỡng suốt đời. Các phong trào chăm sóc, phụng dưỡng “Bà Mẹ VNAH” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân chăm lo, phụng dưỡng bằng nhiều việc làm cụ thể như phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Áo lụa tặng bà” trong thanh-thiếu nhi; phong trào “Tấm chăn ấm lòng mẹ”, “Quà tặng mẹ” của Hội Phụ nữ, phong trào “Nhà tình nghĩa”, tặng “Sổ tiết kiệm”, “Phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ VNAH” của các đoàn thể, tổ chức. Hiện các Mẹ đều được các đơn vị, tổ chức trong tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời, với mức trợ cấp từ 500.000-1.000.000 đồng/tháng.
Đồng chí Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Nhìn lại những kết quả của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và “Phụng dưỡng Bà mẹ VNAH” của tỉnh trong thời gian qua, có thể khẳng định các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã kế thừa và phát huy những thành tích trong công tác chăm sóc người có công, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, kịp thời động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm vơi đi những nỗi đau để các Mẹ có cuộc sống tốt hơn. Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ VNAH còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của những người đang sống đối với những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ đó bồi đắp truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Thế Quang