Ông Phạm Văn Luyện, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhu cầu tìm kiếm việc làm và nguyện vọng được học nghề của người dân trên địa bàn những năm gần đây tăng khá cao. Trước thực tế này, hằng năm huyện chỉ đạo các xã rà soát, thống kê, dựa trên chỉ tiêu đăng ký của người lao động để mở lớp đào tạo phù hợp như: Kỹ thuật trồng lúa, bắp; chăn nuôi bò, dê, cừu; kỹ thuật đan lát, may mặc… Trong đó, đặc biệt chú trọng tạo việc làm sau học nghề cho học viên có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Qua các lớp đào tạo nghề đã trang bị kiến thức cho học viên áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi bò hiệu quả.
Nhờ được trang bị kiến thức, sau đào tạo nhiều lao động nông thôn đã biết cách làm ăn, áp dụng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” tại các xã Bắc Phong, Công Hải; mô hình trồng cây mãng cầu; mô hình đan lát tại xã Phước Chiến; mô hình nuôi heo đen, dê, cừu vỗ béo… Bên cạnh đó, huyện còn chủ động kêu gọi các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Công ty Thương mại Mai Lan Anh… tuyển dụng lao động, liên kết đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động về chỗ ăn ở, sinh hoạt…, giúp người lao động yên tâm trong quá trình tham gia sản xuất.
Không chỉ quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, huyện Thuận Bắc còn chú trọng đến công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, tạo mọi điều kiện về thủ tục vay vốn xuất cảnh, tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh dành cho người xuất khẩu lao động. Bằng những hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, những năm qua, tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo trên địa bàn đã tăng đáng kể. Chỉ tính riêng trong năm 2016, huyện đã tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho hơn 500 người, giải quyết việc làm mới cho 967 lao động, đạt 107,44 kế hoạch. Trong đó, có 439 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, trên 526 lao động được tuyển vào làm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh; 9 lao động đi làm việc tại thị trường Ả-rập Xê-út và Nhật Bản.
Để nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở địa phương, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế, kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động sau đào tạo… Trước mắt, trong năm 2017 mở khoảng 20 lớp dạy nghề ngắn hạn, giải quyết việc làm cho khoảng 900 lao động và xuất khẩu lao động khoảng 10 người, nhằm cải thiện đời sống người dân, từng bước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hồng Lâm