Để triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ, huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiến hành rà soát, khoanh vùng các diện tích trồng lúa kém hiệu quả do thiếu nước, xa công trình thủy lợi để có phương án bố trí cây trồng phù hợp. Kết thúc vụ đông-xuân, toàn huyện gieo trồng được 1.105 ha, đạt 9,6% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, thực hiện chuyển đổi 205 ha/260 ha, đạt 79% chỉ tiêu tỉnh giao, với các loại cây trồng chính như: Mỳ 92ha; bắp lai 14,1 ha; cỏ chăn nuôi 28 ha; mía 13 ha; chuối 10 ha… Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho nông dân trong vùng chuyển đổi và những hộ sản xuất bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016, từ nguồn giống dự trữ quốc gia, huyện cũng đã phân bổ 100 tấn lúa giống, 1 tấn bắp lai hỗ trợ cho nông dân xuống giống kịp thời ngay trong vụ đông-xuân.
Cây bắp lai phát triển tốt trên vùng đất không chủ động nước, hứa hẹn mang lại thu nhập khá cho nông dân xã Phước Trung.
Xã Phước Trung là một trong những địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng cạn. Đồng chí Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, địa phương phấn đấu chuyển đổi khoảng 80 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây sử dụng ít nước. Để đạt được mục tiêu trên, xã tập trung vận động nông dân mạnh dạn chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, chi phí thấp, đồng thời tiết kiệm được nước tưới. Riêng vụ đông-xuân này, toàn xã đã chuyển đổi hơn 14 ha đất trồng lúa sang trồng bắp lai. Bà Pi-năng Thị Nhem, ở thôn Rã Giữa, chia sẻ: Mấy vụ trước, trồng lúa không đủ nước tưới nên năng suất đạt thấp. Vụ này, được hỗ trợ 8 kg bắp giống, gia đình đã chuyển 6 sào diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai giống MX10. Hiện nay, cây bắp đang phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Không riêng ở Phước Trung, một số xã như: Phước Đại, Phước Tiến, Phước Chính… diện tích trồng lúa năng suất thấp vì thiếu nước cũng đã được nông dân chuyển sang trồng cây ngắn ngày. Hầu hết các diện tích chuyển đổi, cây trồng đều phát triển tốt. Để đảm bảo thu nhập cho nông dân, huyện cũng cử cán bộ nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cho bà con chăm sóc cây trồng. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty Giống cây trồng Nha Hố, Công ty TNHH Mạnh Xuân, các hợp tác xã trên địa bàn thực hiện việc bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch. Qua đó, góp phần giúp nông dân yên tâm sản xuất ngay từ đầu vụ.
Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nông dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi cây trồng. Trước mắt, trong vụ hè-thu sắp tới sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 200ha, từ đất trồng lúa, đất sản xuất phân tán sang trồng tập trung cây bắp lai, chuối, bưởi da xanh, đậu xanh… Đồng thời, hướng dẫn người dân áp dụng các phương thức xen canh, luân canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa, từng bước đa dạng hóa cây trồng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
Đây là năm thứ hai liên tiếp, huyện Bác Ái thực hiện việc chuyển đổi cây trồng theo chủ trương của tỉnh, tuy diện tích chuyển đổi chưa nhiều nhưng bước đầu đã nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết được bài toán thiếu nước tưới trong sản xuất trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Hồng Lâm