Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng chịu hạn, tiết kiệm nước khoảng 2.038 ha (trong đó, vụ đông-xuân là 1.377 ha và vụ hè-thu là 661 ha); tập trung chủ yếu là đậu xanh, bắp, mè, rau các loại… Trong số này, bước đầu ghi nhận cây đậu xanh chiếm ưu thế và trở thành một trong những cây chủ lực trong những diện tích chuyển đổi. Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã nghiên cứu khảo nghiệm, đánh giá một số loại giống cây trồng, kết quả bước đầu nhận thấy giống đậu xanh 14ĐX11 có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và kỹ thuật canh tác tại một số địa phương của Ninh Thuận. Trong vụ đông-xuân 2016-2017, Viện đã tiến hành khảo nghiệm sản xuất giống đậu xanh 14ĐX11 tại thôn Mỹ Nghiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) với quy mô 6.000 m2; kết quả cho thấy, giống đậu xanh 14ĐX11 có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng và tiềm năng cho năng suất so với các giống đậu xanh sản xuất trong vùng.
Kiểm tra, đánh giá giống đậu xanh 14ĐX11 tại thôn Mỹ Nghiệp, xã Mỹ Sơn.
Giống đậu xanh 14ĐX11 có chiều cao trung bình khoảng 55–75 cm, thân mập, phân cành vừa. Thời gian sinh trưởng dao động 70-80 ngày, dạng hình sinh trưởng hữu hạn. Vỏ quả chín màu nâu đen, năng suất trung bình 17-20 tạ/ha (tuỳ thuộc điều kiện thâm canh). Khối lượng hạt khoảng 65-70 g/1.000 hạt; hạt xanh nhạt (mỡ) phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Giống đậu xanh 14ĐX11 chín tập trung thuận tiện cho thu hoạch, thu hoạch 2 - 3 lần/vụ; có khả năng chống đổ tốt, kháng khá cao với bệnh đốm nâu và phấn trắng.
Từ việc đánh giá khả năng thích ứng và triển vọng của giống đậu xanh 14ĐX11 sẽ góp phần quan trọng để tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn hán gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới.
TS. Phan Công Kiên
Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố