Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các thời kỳ của chuẩn nghèo mới. Nếu năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28,13%, năm 2016 giảm còn 12,54%, tương ứng với tỷ lệ giảm là 1,07% đến hơn 2,2% mỗi năm, góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... Công tác giảm nghèo trở thành một trong những điểm sáng trong các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Ban chỉ đạo Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” trao tặng bò cho các hộ nghèo của các xã thuộc huyện Bác Ái.
Ảnh: Mai Dũng
Ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, giảm nghèo luôn được tỉnh xác định là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Tùy từng giai đoạn, căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo và điều kiện thực tiễn mà tỉnh đề ra nhiều giải pháp giảm nghèo khác nhau, song luôn nhất quán theo phương châm tập trung trợ giúp người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo được lồng ghép, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương và toàn tỉnh, có cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo.
Đối với nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thoát nghèo, tỉnh tập trung hỗ trợ theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp và tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: Vay vốn tín dụng ưu đãi; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; tư vấn kiến thức, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, chính sách nhà ở cho người nghèo; phối hợp tham mưu lồng ghép Chương trình 134, Chương trình 135 về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, triển khai chính sách cho các xã bãi ngang ven biển… Mỗi năm, có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, mở rộng kinh doanh, giúp tăng thu nhập. Tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh đạt 247,4 tỷ đồng. Nhờ nguồn tín dụng ưu đãi, hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vốn kịp thời và sử dụng đúng mục đích vào phát triển sản xuất, tạo điểm tựa để thoát nghèo bền vững.
Đối với các hộ thuộc diện không thể thoát nghèo gồm những hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, không có sức lao động… tỉnh thực hiện trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn quy định đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo từng thời kỳ. Hiện toàn tỉnh cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng 19.355 người (năm 1992 chỉ 725 người). Đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh hỗ trợ kinh phí hàng chục tỷ đồng để các hộ vay mở rộng sản xuất; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Song song đó, hợp lực với chương trình giảm nghèo là công tác hỗ trợ, cứu trợ, bảo trợ xã hội thường xuyên và đột xuất được tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả. Từ năm 1992 đến nay, công tác cứu trợ đột xuất do thiên tai lũ lụt, cứu đói giáp hạt đã giải quyết cứu trợ cho 701.900 lượt hộ, với 3.163.978 lượt nhân khẩu. Thông qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây dựng và sửa chữa được 12.587 nhà chính sách cho hộ nghèo, với tổng trị giá trên 100,88 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, tỉnh cơ bản xóa được nhà tạm cho hộ nghèo và hộ nghèo dân tộc thiểu số; 100% người nghèo, cận nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cận nghèo; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Có thể nói, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự chung tay của toàn xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có những bước tiến vượt bậc.
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Với mục tiêu giai đoạn 2016-2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong tỉnh từ 1,5-2% theo tiêu chí mới, trong đó huyện Bác Ái giảm 4-5%, thời gian đến toàn tỉnh tập trung vào các nhóm giải pháp: Nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; thực hiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, an sinh xã hội; nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo; xã hội hóa công tác giảm nghèo. Đối với nhóm không nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà nghèo về thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế; nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà không nghèo về thu nhập thì sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp cận; các hộ mới thoát nghèo cũng sẽ tiếp tục được quan tâm hỗ trợ về phương tiện, tư liệu sản xuất trong khoảng thời gian đầu mới thoát nghèo… Chương trình giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa được mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, kéo giảm chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.
Xuân Bính