Làm giàu nhờ… cày thuê đất
Sau nhiều năm gắn bó với dịch vụ đào đất, giờ đây, Cựu chiến binh Lê Dấm (thôn Tam Lang, xã Phước Nam, Thuận Nam) đã trở thành tỷ phú, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/ngày. Xuất thân trong gia đình cách mạng, từ nhỏ, ông cùng gia đình tham gia tiếp tế lương thực cho bộ đội. Chiến tranh đi qua, không cam chịu cuộc sống đói nghèo, Cựu chiến binh Lê Dấm trăn trở tìm hướng đi mới, vươn lên làm giàu. Trở về địa phương nhận thấy nhu cầu cơ giới hóa đồng ruộng tăng cao, nhất là khâu làm đất, vợ chồng ông mạnh dạn đầu tư chiếc máy cày SoMeCa 900 có giá 30 triệu đồng. Không ngại khó khăn, hằng ngày ông thức khuya dậy sớm đi cày thuê ruộng, đất nho, đất rừng cho bà con trong vùng. Với đức tính cẩn thận, tỉ mỉ nên dần dần ông tạo uy tín với người dân. Năm 2005, tỉnh ta “rộ lên” phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng, ông chủ động về Phước Dinh tìm kiếm thêm các hợp đồng đào ao nuôi tôm. Với phương châm làm ăn uy tín, lâu dài, ông Lê Dấm luôn lên bản vẻ tỉ mỉ, cụ thể diện tích cần đào và “bảo hành” công trình 6 tháng sau khi đào xong. Nhờ kiên trì, chịu khó, ông được người dân tin tưởng thuê mướn, “thương hiệu” cày thuê đất của ông không chỉ vang xa trong tỉnh, mà còn vươn ra các tỉnh bạn. Số tiền kiếm được nhờ cày thuê đất, ông lại tích cóp để trang bị, sắm sửa thêm máy móc. Đến nay, ông sở hữu 4 chiếc máy cày, 2 máy ủi và 1 máy đào, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Tiền công đào đất dao động từ 100-200 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 500 triệu đồng. Không chỉ là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Lê Dấm còn là Bí thư Chi bộ thôn gương mẫu, tiên phong trong các phong trào ở địa phương n
Ước vọng lớn của một tỷ phú trẻ
Mặc dù mới 33 tuổi nhưng Lê Văn Thái, thôn Lạc Sơn (xã Cà Ná, Thuận Nam) đã có trong tay hai công ty đóng tàu và hậu cần nghề cá, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 1 tỷ đồng…
Giữa cái nắng rát cháy da của vùng biển Cà Ná, anh vẫn cùng với những người thợ áp những tấm ván to vào thân con tàu sừng sững. Như một cam kết với ngư dân, anh Thái luôn làm cùng công nhân để chuyển giao kỹ thuật đúng quy trình, thường xuyên nhắc nhở công nhân khi làm việc, nhất là đóng tàu phải đúng chất liệu gỗ, đúng kết cấu để bà con ngư dân có thể vươn khơi xa, làm giàu từ biển. Anh chia sẻ: “Người đi biển coi chiếc tàu hơn ngôi nhà của mình, biển cả mênh mông, sự sống của họ tùy thuộc con tàu, vì vậy mình phải làm đúng, chuẩn để giữ đạo đức của nghề”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, anh vừa kể về cơ duyên gắn bó với nghề đóng tàu. Sau khi Cảng cá Cà Ná đi vào hoạt động, nhu cầu sửa chữa tàu thuyền của ngư dân khá cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, anh Thái mạnh dạn cùng cha bán hết tài sản đầu tư xưởng sửa chữa tàu và bước khởi nghiệp đầu tiên của cha con anh khá thành công. Rồi từ xưởng sửa chữa tàu, anh Thái dần mở rộng thành cơ sở đóng tàu và lập Công ty TNHH Thái Sơn chuyên đóng tàu kiêm sản xuất nước mắm và xưởng mộc dân dụng. Không dừng lại ở đó, anh Thái góp vốn mở thêm Công ty Phúc Lai chuyên kinh doanh xăng dầu, nuôi trồng thủy sản. Giờ đây, lúc cao điểm công ty anh sửa chữa từ 80-100 tàu cá, cho ra xưởng trên chục chiếc tàu công suất trên 400 CV, tạo công ăn việc làm cho 20-70 lao động, với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu gỗ để đóng tàu ngày càng khan hiếm. Trước khó khăn đó, anh Thái tích cực nghiên cứu, tìm tòi về chất liệu composite để đóng tàu. So với gỗ, composite giúp tàu nhẹ hơn, ít tiêu hao nhiên liệu, thời gian sử dụng lâu hơn, năng suất đánh bắt cao hơn. Để biến ước vọng sớm thành hiện thực, đến nay, anh đã cử 20 công nhân đi đào tạo kỹ thuật mới. Hy vọng với dự định của chàng tỷ phú trẻ, nhiều con tàu hiện đại “Made in Ninh Thuận” sẽ sớm vươn khơi, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc n
Làm giàu nhờ cơ giới hóa đồng bộ
Cũng làm giàu từ nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nhưng anh Đạo Thanh Thích, thôn Phước Nhơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) lại tìm cho mình hướng đi khác. Năm 1988, nhận thấy nhu cầu bà con làm đất bằng thiết bị cơ giới nông nghiệp ngày càng cao. Anh mạnh dạn bàn với vợ vay 15 triệu đồng mua máy cày MTZ, đảm nhận dịch vụ làm đất cho nông dân trong thôn. Ngay trong vụ xuống đồng đầu tiên, máy cày của anh Thích chạy hết công suất đảm nhận khâu làm đất giúp nông dân địa phương xuống giống kịp thời vụ. Để đáp ứng nhu cầu cho bà con, gia đình anh tiếp tục đầu tư thêm chiếc máy cày MTZ thứ 2. Từ thành công của hai chiếc máy cày MTZ ban đầu, anh dần tích cóp đầu tư máy móc, cơ giới hóa cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, gia đình anh có 3 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cuộn rơm trị giá 1,7 tỷ đồng vừa phục vụ sản xuất gia đình, vừa đảm nhận dịch vụ cơ giới nông nghiệp cho nông dân địa phương. Chưa dừng lại ở đó, với 18 ha đất đồng, tỷ phú người dân tộc Chăm mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Để chủ động trong quá trình sản xuất, anh đầu tư đào mương dẫn nước từ hệ thống thủy lợi kênh Bắc, dự trữ trong ao sử dụng mô-tơ điện bơm tưới canh tác 3 vụ/năm. Trên diện tích 18 ha, anh trồng 8 ha lúa áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” gieo các giống TH 6 đạt năng suất bình quân 6-7 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 180 tấn/năm. Còn 8 ha trồng hoa màu và 1 ha trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn cho 150 con cừu và 65 con bò. Tận dụng nguồn rơm rạ từ ruộng lúa, anh thu mua dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc và bán cho thương lái, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng nhờ bán rơm cuộn. Mô hình trang trại sản xuất, kinh doanh của anh Đạo Thanh Thích mang lại thu nhập trên 900 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, anh dự định chuyển 5 sào lúa sang trồng rau sạch, cung cấp cho người dân ở địa phương; áp dụng mô hình nuôi bò thâm canh nhằm đảm bảo năng suất chăn nuôi. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, với vai trò Chi hội trưởng Hội Khuyến học xã, anh tích cực vận động, trực tiếp hỗ trợ cho hàng chục học sinh, sinh viên hiếu học ở địa phương.
Với những ngành nghề, cách làm giàu khác nhau, nhưng ở họ đều toát lên đức tính cần cù, chịu khó, “dám nghĩ, dám làm”, để xây dựng thành công những mô hình kinh tế hiệu quả. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, họ còn là “hạt nhân” của phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, không ngừng trợ giúp cho các hộ khác cả về kinh nghiệm, vốn, cây con giống với mong muốn mọi người cùng nhau vươn lên làm giàu, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển.
Mỹ Dung