Và sắp tới đây khi công trình Đập dâng Tân Mỹ hoàn thành sẽ tạo thêm điều kiện để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngày 17-3 vừa qua, về làm việc ở tỉnh ta, đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Bộ đang chỉ đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu công trình hoàn thành trong quý III năm nay, phục vụ chống hạn cấp bách và lâu dài cho tỉnh. Nhận thức được ý nghĩa của công trình cung cấp nước cho những vùng thường bị hạn hán, nên đơn vị thi công và các ngành liên quan đã phát động ký kết thi đua xây dựng công trình an toàn, đảm bảo chất lượng.
Công trình Đập dâng Tân Mỹ.
Đập dâng Tân Mỹ là hợp phần nằm trong Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, với chiều dài 182 m; hệ thống kênh tưới chính dài 36,5 km, 40 kênh nhánh cấp 1 tổng chiều dài khoảng 67 km, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm mang dấu ấn về sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với địa phương thường xuyên hạn hán như tỉnh ta.
Theo thiết kế, Đập dâng Tân Mỹ có dung tích chứa bằng 20 hồ trên toàn tỉnh cộng lại, tưới ổn định 6.800 ha đất canh tác. Đây là dự án có kỹ thuật phức tạp, áp dụng công nghệ tiên tiến với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hệ thống kênh chính và kênh nhánh các cấp dài hàng trăm km chủ yếu bằng đường ống kín; đặc biệt, kênh chính bằng đường ống thép sản xuất và lắp đặt với dây chuyền công nghệ hiện đại có tác dụng dẫn nước đi xa, qua các địa hình mà ít bị thất thoát. Đáng nói là, Đập dâng Tân Mỹ giữ vai trò cung cấp và phân phối nước thường xuyên cho các hồ Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh, đảm bảo phục vụ sản xuất ổn định kể cả trong mùa khô hạn. Còn nhớ, đợt hạn hán khốc liệt kéo dài từ cuối năm 2014 đến tháng 9-2016 làm cho những hồ chứa kể trên cạn kiệt hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trong khu vực gặp khó khăn. Rồi đây, hệ thống đường ống của Đập dâng Tân Mỹ vươn dài từ vùng núi Ninh Sơn, sang Thuận Bắc, xuống Ninh Hải sẽ khai thác được thế mạnh của các loại cây trồng đặc thù của tỉnh, tạo sự đột phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đón đầu thời cơ, những địa phương nằm trong vùng hưởng lợi Đập dâng Tân Mỹ đã xây dựng quy hoạch các vùng cây trồng tập trung có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập cho nông dân. Xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có lợi thế phát triển cây mía đường, bắp giống, một số hộ dân nơi đây tiên phong áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất, nhưng do thiếu hụt nguồn nước nên không thể nhân ra diện rộng. Hưởng lợi từ Đập dâng Tân Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi để xã triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở khu vực tưới ổn định 1.200 ha. Các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải cũng đang lập kế hoạch mở rộng diện tích cây trồng cạn, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, Dự án Đập dâng Tân Mỹ khi hoàn thành sẽ tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp đó là hình thành vành đai cây trồng đặc thù của tỉnh bao quanh vùng trọng điểm trồng lúa ở Ninh Hải, Ninh Phước. Cũng nhờ vào nguồn nước dồi dào từ công trình thủy lợi này, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh đã đề ra, đưa ngành Nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.
Anh Tùng
TÂM HUYẾT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG
Ông Phú Văn Điền
Bí thư Chi bộ thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước):
Cùng với sự thay đổi của tỉnh ta sau 25 năm tái lập, diện mạo thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước) cũng từng bước được đổi mới. Đến nay, việc sản xuất nông nghiệp của bà con đều được cơ giới hóa; nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả được áp dụng rộng rãi; việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất được nhân rộng. Các hủ tục lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống mới từng bước được xóa bỏ. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa của bà con ngày càng được xây dựng khang trang hơn, nên người dân rất vui mừng, phấn khởi...
Trước những đổi mới đó, nhân dân thôn Hữu Đức càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiếp tục đóng góp công sức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng thời, mong muốn đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đem hết tâm trí phục vụ Nhân dân, từ đó, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp n
Cô giáo Hà Thị Thanh Hường
Phó Hiệu trưởng Trường TH Phú Thọ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm:
25 năm sống và làm việc tại làng biển Phú Thọ, gắn bó với vùng đất này và từng ngày chứng kiến sự đổi thay của quê hương thứ hai của mình, tôi vô cùng tự hào. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và thành phố, cùng sự nỗ lực của Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của thôn có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nhất là giao thông đi lại thuận tiện hơn, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Đặc biệt, sự nghiệp giáo dục trong những năm qua luôn được sự quan tâm, chăm lo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân. Với chúng tôi, những người làm công tác giáo dục tự nhận thấy phải tiếp tục trau dồi kiến thức, hăng say thi đua lao động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần xây dựng Ninh Thuận ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn. Thời gian tới, tôi mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng con đường chính vào Trường TH Phú Thọ; đầu tư thêm trang thiết bị giảng dạy, phòng học tạo điều kiện đưa 2 điểm trường thành một cơ sở giúp giáo viên yên tâm công tác.
K.Thanh - M.Dung