Mở rộng phạm vi cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy

Trước đòi hỏi cấp bách của thực tế và xét khả năng của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Chính phủ đề xuất cho phép lực lượng này thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ cả trong các trường hợp sự cố, tai nạn khác.

 
Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 8 sau khi cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Theo Tờ trình của Chính phủ, từ năm 2001 đến hết năm 2015, trên cả nước đã xảy ra 444.311 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết 177.587 người, bị thương 343.340 người; trong đó, có 32.793 vụ cháy, nổ làm chết 1.210 người, bị thương 3.290 người; 333.696 vụ tai nạn giao thông, làm chết 168.539 người, bị thương 317.946 người; 77.822 vụ tai nạn lao động, làm chết 7.838 người và 22.187 người bị thương nặng. Các vụ việc nêu trên chủ yếu là các sự cố, tai nạn diễn ra trên đất liền có tính đột xuất và chưa tới mức “thảm họa”, thiên tai lớn, thuộc trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, chưa cần thiết huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ lớn theo sự điều phối của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Thực tế cho thấy, ngay cả đối với các sự cố, thiên tai thuộc trách nhiệm điều phối của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cũng là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố này.

Tuy vậy, văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy mới là Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy nên hiệu lực pháp lý thấp. Mặt khác, Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ nên dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ, không phát huy được tính chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý khi có sự cố, tai nạn xảy ra, nhất là vấn đề thống nhất chỉ huy, điều hành trong công tác cứu nạn, cứu hộ...

Cũng theo Tờ trình, Chính phủ thấy rằng, hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là rất cần thiết, tuy đã được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy nhưng trước đòi hỏi cấp bách của thực tế và xét khả năng của lực lượng này nên trong dự thảo Nghị định đã cho phép thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ cả trong các trường hợp sự cố, tai nạn khác. Việc cứu nạn, cứu hộ đó diễn ra hàng ngày, ngoài các trường hợp cứu nạn, cứu hộ do thảm họa lớn thuộc trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Hoạt động cứu nạn, cứu hộ đó có liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên phải do luật định; vì vậy, theo quy định tại Khoản 3, Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành Luật về cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới.

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Nghị định. Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo ngại trước con số vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác mà Chính phủ đưa ra. Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị làm rõ tình trạng trên do quy định đã đủ chưa, hay do giáo dục ý thức, do chế tài chưa đủ mạnh?.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhấn mạnh đây là công tác nguy hiểm, gắn liền với khoa học công nghệ, sẽ dần dần tiến tới tự động hóa nhưng Nghị định thể hiện điểm này rất mờ nhạt. Ông Phan Xuân Dũng góp ý: “Nghị định nên có thêm nội dung về áp dụng khoa học công nghệ vào công tác cứu hộ, cứu nạn để hạn chế tối đa thương vong cho anh em làm công tác nguy hiểm này”.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Nghị định này, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, rà soát lại để tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và tránh chồng chéo với nhiệm vụ đã giao các lực lượng trong các luật, Nghị định khác của Chính phủ.

Nguồn www.dangcongsan.vn