Thực hiện chủ trương giao khoán chợ, UBND xã An Hải đã chỉ định thầu cho một số hội viên thuộc Hội Cựu Chiến binh xã tham gia, thành lập Ban quản lý chợ gồm 3 người tự thu, tự quản lý chợ, hàng tháng đóng phí 3 triệu đồng/tháng theo hợp đồng cho UBND xã.
Chợ Long Bình sập sệ với những mái tôn che tạm không an toàn.
Điều bất cập xảy ra ở chợ Long Bình thời gian gần đây là Ban quản lý chợ chưa chú trọng đến công tác quản lý sắp xếp, bố trí các gian hàng nên chợ hoạt động rất lộn xộn. Trong nhà lồng chợ được đầu tư xây dựng rất rộng rãi, thoáng sạch lại có rất ít hộ ngồi bán hàng, hầu hết diện tích bỏ trống làm bãi giữ xe, nhà kho. Trong khi đó, khu vực sân nền đất ẩm thấp, vệ sinh không đảm bảo, tiểu thương chen chúc ngồi trong những chòi che tạm bợ, lụp xụp. Một tiểu thương bán cá tại chợ cho biết: Khi mới dời chợ về đây, chợ chỉ có 40 hộ kinh doanh đăng ký lô, chủ yếu hoạt động kinh doanh trong nhà lồng chợ, hiện nay đã có trên 100 sạp bán đủ các loại hàng hóa, nhưng không được phân thành khu hàng tươi sống, hàng đồ ăn, đồ khô, rau hành hay tạp hóa, mà tiểu thương tự ý ngồi rất lộn xộn. Đặc biệt là từ trước đến nay, Ban quản lý chợ thu phí chợ nhưng không hề có biên lai, không niêm yết công khai khung giá cũng như các quy định, nội quy hoạt động chợ; việc thu phí rất tùy tiện có lô thu 5 ngàn đồng/buổi chợ, nhưng lô khác lại thu 10 ngàn đồng/buổi.
Do quản lý không chặt chẽ, đã xảy ra tình trạng sang nhượng, tự ý khoanh lô để sử dụng và cho thuê trong phạm vi chợ, nhưng Ban quản lý không nắm bắt, xử lý kịp thời. Đơn cử, trường hợp bà Hoàng Thị Chúc (thường gọi bà Mười Chim) tự ý bao chiếm 12 lô trong khu vực chợ để cho thuê và thu tiền mặt bằng chợ. Như vậy, tiểu thương ngoài việc đóng phí cho Ban quản lý chợ còn phải đóng tiền thuê mặt bằng cho bà Chúc. Sự việc trên tồn tại kéo dài đến nay chưa xử lý được.
Một tiểu thương bán hàng trái cây tại chợ còn cho biết: Ban quản lý chợ dựng mái tôn thấp, dựng mấy cây gỗ tạm cho tiểu thương ngồi bán hàng nhưng hàng tháng thu đến 90 ngàn đồng trong suốt 2 năm qua. Hiện vẫn thu nhưng chưa biết bao giờ chấm dứt, trong khi đó công tác vệ sinh trong chợ không đảm bảo, đã có thời điểm rác thải tràn xuống cả kênh Nam, bay vào tận nhà dân gần đó. Chợ không có hầm rút xử lý nước thải nên nước xả từ hàng cá chảy lênh láng, thường xuyên bốc mùi hôi thối. Nhà vệ sinh, bể chứa nước được đầu tư xây dựng nhưng suốt 10 năm nay không mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân. Trong khuôn viên chợ vẫn tồn tại một số hộ dân dựng nhà ở, hàng tháng đóng tiền mặt bằng cho Ban quản lý chợ với mức 200 ngàn đồng/hộ. Người dân đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhưng hiện chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo giải thích của Ban quản lý chợ Long Bình, đây là chợ quê, nên không thể quy củ như chợ các nơi khác được, việc sắp xếp tiểu thương ngồi đúng vị trí theo ngành hàng, hoặc vào trong nhà lồng chợ là không thể. Nếu ép tiểu thương vào nền nếp sợ nhiều người bỏ chợ. Việc cho một số hộ dân ở trong khu vực chợ là do đã có sự đồng ý của UBND xã. Bà Hoàng Thị Chúc (Mười Chim) tự ý khoanh lô cho thuê, Ban quản lý chợ đã nhiều lần làm việc, đề nghị thu hồi nhưng bà không chấp hành nên đã kiến nghị lên UBND xã can thiệp xử lý.
Ông Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho rằng: Trong thời gian tới, UBND xã sẽ chấn chỉnh tình trạng lộn xộn tại chợ Long Bình, làm việc với Ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh để sắp xếp, tổ chức họp chợ theo đúng quy định, thực hiện việc ký kết hợp đồng kinh doanh cụ thể để quản lý. Mặt khác, kiến nghị các cấp, ngành đầu tư nâng cấp chợ đảm bảo các yêu cầu về kết cấu hạ tầng, công trình vệ sinh, cổng chợ, tường rào để ổn định kinh doanh theo tiêu chí chợ nông thôn mới.
Từ thực tế trên đề nghị các ngành chức năng của huyện Ninh Phước cần vào cuộc, phối hợp với UBND xã An Hải giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn, gây bức xúc đối với một số tiểu thương tại chợ Long Bình. Mặt khác, cần chấn chỉnh công tác quản lý tại khu chợ này để người dân ổn định kinh doanh, trao đổi hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng phát triển theo hướng văn minh, sạch đẹp.
Anh Tuấn