Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại phiên họp
(Ảnh: KT)
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Thủy sản 2003, thực tế đang đặt ra các yêu cầu cần phải nghiên cứu, sửa đổi. Lý do là một số quy định của Luật Thuỷ sản 2003 sau khi triển khai thực hiện đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành thuỷ sản Việt Nam như: Quy định về quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều tra nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; quản lý đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản không dùng vào mục đích làm thực phẩm; quản lý hoạt động thả phóng sinh, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản; quản lý giấy phép khai thác thủy sản; đăng kiểm tàu cá; kiểm ngư... Bên cạnh đó, một số quy định mới của các Điều ước quốc tế về thuỷ sản đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuỷ sản cho phù hợp (như Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng; quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...). Hơn nữa, một số quy định của Luật Thuỷ sản 2003 không còn phù hợp với các luật mới có liên quan đến lĩnh vực thủy sản được Quốc hội thông qua (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai...).
“Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên việc sửa đổi Luật Thuỷ sản 2003 là hết sức cần thiết” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật có 08 Chương gồm 100 Điều, giảm 02 chương và tăng 38 Điều so với Luật Thủy sản 2003.
Một trong những vấn đề quan trọng được Chính phủ xin ý kiến tại phiên họp là về lực lượng kiểm ngư. Theo Tờ trình, bên cạnh hệ thống Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư vùng, Chính phủ đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra tại các chi cục thủy sản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, việc hình thành kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện để triển khai nhiệm vụ, chỉ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho đội ngũ này như kiểm ngư hiện tại khoảng 9 tỷ đồng/năm.
Tuy vậy, thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, cơ quan này thấy rằng, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản cơ bản chưa đánh giá về hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư. Mặt khác, qua khảo sát, không ít địa phương cho rằng, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là không phù hợp, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt của kiểm ngư vùng. Bên cạnh đó, nếu chuyển thành lực lượng kiểm ngư thực hiện trên vùng biển thì không có lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trên các vùng nội thủy (sông, hồ, đầm, phá). Ngoài ra, việc xây dựng thêm lực lượng kiểm ngư sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của BCH Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ công chức làm công tác thanh tra trên biển – một nội dung được quan tâm nhiều, thì có thể được nghiên cứu thực hiện thông qua quyết định của Chính phủ mà không cần thiết phải thực hiện bằng việc thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh như dự thảo Luật.
Thảo luận tại phiên họp, việc thành lập kiểm ngư cấp tỉnh và việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nhiều đại biểu cho ý kiến.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ, hiện nay tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy hải sản diễn ra nghiêm trọng. Ông chia sẻ: “Tôi hơn 30 năm đi biển, tất cả vùng biển đi rồi, nhưng thấy rằng trong 10 năm nay đánh bắt tận diệt bằng đủ các loại kích điện, thuốc nổ, hóa chất, đánh ở các mùa sinh sản, giờ tất cả các vùng biển từ Bạch Long Vĩ đến Trường Sa, Phú Quốc ... đều không còn cá”.
Chỉ rõ nguồn lực hải sản cạn kiệt chính là lí do khiến ngư dân đi đánh bắt ở nước ngoài nhiều và nhiều tàu nước ta bị bắt, ông đề nghị Luật phải có những quy định cụ thể về quản lý nhà nước, đặc biệt những mùa nào phải cấm đánh bắt, những vùng bảo tồn. Đồng thời phải cấp hạn ngạch đánh bắt, không thể để muốn đánh bắt bao nhiêu cũng được.
Về lực lượng kiểm ngư, ông đề nghị tăng cường ở các địa phương để kiểm soát tình trạng dân kích điện và dùng thuốc nổ để đánh bắt cá như hiện nay.
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng dự luật đề xuất các quy định cấm vẫn còn chung chung. Theo ông, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất bất cập từ sản xuất, chế biến, lưu thông, để thủy sản có sự an toàn từ sản xuất thì cần hoàn thiện quy định cấm đưa chất phụ gia vào nuôi thủy sản.
Về việc có thành lập hay không thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển theo đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng cần tổng kết hoạt động của lực lượng kiểm ngư thời gian qua. Ông cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là hiệu quả của lực lượng kiểm ngư trong quản lý nguồn lợi thủy sản thời gian tới. Hơn nữa, trên biển có nhiều lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm sát phát hiện vi phạm trên biển kể cả thanh tra, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển... do đó phải phân chia rõ trách nhiệm, phối hợp với lực lượng kiểm ngư để hoạt động hiệu quả.
Nhấn mạnh đây là một luật rất quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt góp ý sâu nhiều nội dung của dự luật. Trong đó, về các quy định cấm, ông đề nghị cấm ngư dân đánh bắt vào mùa cá sinh sản chứ không thể nêu chung chung như dự luật.
Về lực lượng kiểm ngư, ông đồng tình với quan điểm của Chính phủ đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra tại các chi cục thủy sản. Bởi lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương hiện nay đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm, chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, đặc biệt là không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.
Những nội dung khác được các đại biểu đề cập là thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản... Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Luật Thủy sản có mối liên quan trực tiếp đến nhiều đạo luật trong hệ thống pháp luật của nước ta và nhiều Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập . Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật có liên quan với các luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để xử lý việc trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn không hợp lý, bảo đảm tính thống nhất và khả thi của dự án Luật, phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013.
Nguồn www.dangcongsan.vn