Phú Thọ hôm nay

(NTO) Nắng tháng 3 vàng rực rỡ, rảo bộ trên cầu An Đông, nhìn xuống làng biển Phú Thọ (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chúng tôi cảm nhận đời sống của bà con vùng biển đang chuyển mình thay đổi từng ngày. Phóng tầm mắt về hướng Đông, xa xa thấp thoáng những tàu cá đang hướng ra khơi hoặc trở về sau chuyến đánh bắt hải sản dài ngày. Những con đường bê-tông rộng mở dẫn lối đi về thôn, với màu đỏ tươi của những mái nhà ngói nằm san sát nhau… đó là thành quả đáng ghi nhận của Phú Thọ sau 42 năm xây dựng quê hương và 25 năm tái lập tỉnh.

Đường vô khu dân cư Phú Thọ, phường Đông Hải.
 

Trong ký ức của những người lớn tuổi, những ngày mới thành lập tỉnh, thôn Phú Thọ được mệnh danh là cồn cát “bạch sa động”, đường sá cát lún, nên xe máy, xe đạp không đi được. Muốn đến Phú Thọ người dân phải di chuyển bằng đò vượt qua sông Dinh, cửa biển Đông Hải. Người dân Phú Thọ chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống và sinh hoạt. Đa số người dân sinh sống bằng nghề đi biển nên sự cách trở trên cũng là nguyên nhân khiến nghề cá không phát triển. Hải sản khai thác được đưa về bến đậu của thôn, hoàn toàn phụ thuộc các đầu nậu từ Cảng cá Đông Hải qua thu mua, giá thường thấp hơn giá thị trường. Khi ngư dân muốn mua sắm ngư lưới cụ, máy móc, trang thiết bị phải dùng thúng vận chuyển rất bất tiện. Năm 2008, Phú Thọ được “đánh thức” nhờ việc hình thành con đường vào vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Ninh Phước. Nhưng do nằm ở một góc bên cửa biển, lại ngăn cách bởi sông Dinh, Phú Thọ như một ốc đảo hẻo lánh, không có điều kiện phát triển. Mãi đến năm 2015, khi cầu An Đông nối liền bờ Bắc sông Dinh, vùng đất biệt lập Phú Thọ khi xưa đã kết nối với đô thị trung tâm tỉnh, mở ra cơ hội phát triển về kinh tế, đổi thay diện mạo nông thôn nơi đây.

Đưa chúng tôi đi trên những trục đường được bê-tông kiên cố, anh Trần Văn Quang, Phó trưởng thôn Phú Thọ phấn khởi: “Trước đây, mỗi lần muốn “lên phố” mất gần nửa giờ chạy xe hơn 10 km vòng qua An Hải, nay thì khác rồi, chỉ cần 5-10 phút là đến nơi. Có chiếc cầu, bà con đi lại, buôn bán cũng thuận lợi hơn, đời sống người dân ngày càng khấm khá”. Hiện nay, toàn thôn có trên 600 hộ/3.000 nhân khẩu, với 60 tàu thuyền, nhưng hầu hết công suất còn nhỏ từ 20-50 CV, ngoài đánh bắt hải sản còn có nghề nuôi tôm hùm con, nuôi ốc hương và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Phú Thọ bây giờ nhà cửa kiên cố, điện sáng đến từng nhà dân. 100% số hộ đã có nước sạch sinh hoạt, ti vi, xe máy, các trục đường chính đều được bê-tông. Đời sống nhân dân ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 68 hộ. Ngoài việc mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, việc học của con em có nhiều chuyển biến tích cực. Trường TH Phú Thọ xây dựng khang trang, được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông Võ Văn Công, một đảng viên lâu năm trong thôn, phấn khởi chia sẻ: Những năm trước đây, khi lên THCS, học sinh Phú Thọ theo học Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai ở xã An Hải (Ninh Phước). Do đường xa nhiều cháu gia đình khó khăn không có phương tiện đi lại, đành bỏ học. Sau khi cầu An Đông được xây dựng, học sinh trong thôn theo học Trường THCS Đông Hải, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Hằng năm, toàn thôn có khoảng 30-35 em theo học các trường cao đẳng, đại học trên cả nước.

Giáo viên chăm lo giảng dạy học sinh Trường TH Phú Thọ. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Trần Quốc Toản, Bí thư Đảng ủy phường Đông Hải, cho biết: Được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nên kinh tế-xã hội của thôn Phú Thọ những năm gần đây đã có nhiều bước tiến mới. Nhằm tạo điều kiện học tập cho con em thôn Phú Thọ, thời gian tới, địa phương xây dựng 3 lớp học cho các em bậc Mẫu giáo. Theo kế hoạch, đến năm 2020, thành phố sẽ mở rộng, thu hút đầu tư, hình thành các khu du lịch hướng Đông Nam; xây dựng các làng nghề đánh bắt hải sản truyền thống ở thôn Phú Thọ, gắn với du lịch làng nghề, nhằm thu hút đông lượng khách du lịch. Tin rằng, với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của nhân dân địa phương, ở bờ Nam sông Dinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) sớm hình thành một khu đô thị mới-Phú Thọ trong tương lai.