Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2017
Ngày 17-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2017. Cùng dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Diễn ra từ ngày 17-19/3, Hội Báo toàn quốc 2017 với chủ đề: “Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới” thu hút sự tham gia của 470 cơ quan báo chí cả nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá báo chí cách mạng là lực lượng xung kích, lực lượng nòng cốt có vai trò và đóng góp không thể thiếu trong thành công của sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với sự lớn mạnh của Báo chí cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam cũng không ngừng phát triển và ngày càng có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, có ý nghĩa để phát huy vai trò của báo giới như tặng báo xuân, báo tết và các món quà tình nghĩa đến bộ đội biên phòng, đến các cháu thiếu nhi ở vùng biên giới, hải đảo. Hội Báo toàn quốc là một ví dụ sinh động cho thấy sự gắn bó chặt chẽ, vị trí ngày càng bền vững của báo chí trong xã hội.
“Hội Báo toàn quốc là hoạt động giàu tính văn hóa, tạo ra sự phong phú và tính thi đua trong hoạt động báo chí. Cùng với hội báo toàn quốc, hội báo xuân ở các địa phương cũng mang báo giới và báo chí đến gần với nhân dân hơn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, các nghị quyết khác của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống diễn biến và tự diễn biến đã trực tiếp đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho báo chí.
Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý báo chí, quản lý thông tin trên môi trường mạng internet; một mặt phát huy vai trò của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, mặt khác phải tăng cường bản lĩnh, trình độ, đạo đức của đội ngũ người làm báo. Cần xử lý nghiêm những vi phạm trên báo chí; tôn vinh kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt nhằm tạo môi trường cho báo chí phát triển...
“Mỗi nhà báo đều rất tự hào là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Vì thế ngoài yêu cầu về bản lĩnh chính trị, về nghiệp vụ chuyên môn, mỗi một nhà báo còn đứng trước đòi hỏi phải có một sự hiểu biết rất sâu, rộng về đời sống, xã hội. Mỗi nhà báo cũng cần phải là chiến sĩ tiên phong trong chống tiêu cực, trong nêu gương thực hiện pháp luật, đề cao đạo đức, lối sống văn minh.
Và không chỉ từng nhà báo mà các hoạt động báo chí phải giúp toàn xã hội nêu gương người tốt, việc tốt và đấu tranh chống lại những biểu hiện xấu, tiêu cực, tham nhũng, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với sự tham gia của 470 cơ quan báo chí cùng các hoạt động rất phong phú như các diễn đàn, hội thảo, triển lãm, Phó Thủ tướng cho rằng Hội Báo toàn quốc sẽ tạo không khí, diễn đàn để trong giới báo chí cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau và đặc biệt cùng lắng nghe ý kiến của công chúng đối với báo chí, để báo chí cách mạng không ngừng phát triển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị về bảo vệ, phát triển rừng
Ngày 17-3 tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Hội nghị do Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm lâm nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ cụ thể trước mắt là khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là ban hành, thực thi các sáng kiến tài chính mới để tạo thêm nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp, cụ thể như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở công nghiệp, du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản, bồi hoàn giá trị hệ sinh thái rừng.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là phải nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện việc rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, xác định rõ lâm phận ổn định. Gắn quy hoạch phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Cả nước, mỗi địa phương phải xác định các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực để tập trung bảo vệ, phát triển, đầu tư một cách bền vững.
Bảo đảm bố trí đủ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế-xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân.
“Giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến”, Phó Thủ tướng nói.
Việc tổ chức sản xuất lâm nghiệp phải được thực hiện theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế.
“Doanh nghiệp tạo đầu vào cho người dân, liên hết, hỗ trợ người dân, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm lâm nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp, do đó họ phải được đặt vào vai trò trung tâm của liên kết chuỗi sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai hiệu quả, chặt chẽ việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện, hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hiệp định chung với EU và các hiệp định song phương với các nước có tiềm năng để mở cửa thị trường cho thương mại, xuất nhập khẩu lâm sản.
“Đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, nhưng phải luôn lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm ngành lâm nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Một yêu cầu quan trọng khác cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ, phát triển rừng.
Văn phòng Chính phủ