Các ý kiến tại cuộc làm việc đều nhất trí rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Cấp bách về cả vấn đề môi trường, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của các địa phương. Thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm, nhưng công tác này còn có bất cập, nhất là vấn đề nguồn lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với một số bộ, ngành, địa phương về
công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc da cam/dioxin sau chiến tranh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Báo cáo về các kết quả đã làm được và biện pháp thời gian tới, ý kiến một số bộ, ngành, địa phương nhấn mạnh quyết tâm khẩn trương xử lý dứt điểm vấn đề này.
Chất độc hóa học, dioxin ảnh hưởng không chỉ đến thế hệ chúng ta mà nhiều thế hệ sau này, Thủ tướng nêu rõ. Giải quyết vấn đề là lương tâm, trách nhiệm. Nếu không làm tốt thì di chứng ảnh hưởng trực tiếp đến dân tộc ta.
Khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm việc khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc da cam/dioxin sau chiến tranh và quyết liệt chỉ đạo công tác này.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đạt được thời gian qua như việc khoanh vùng xử lý điểm nóng về tồn dư chất độc hóa học, việc giải quyết chính sách cho các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin, kết quả hợp tác với Hoa Kỳ để xử lý chất độc da cam.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, công việc trước mắt còn nhiều, Bộ Quốc phòng và các bộ, địa phương liên quan cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 651/2012/QĐ-TTg về “Kế hoạch hành động Quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” cũng như các chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ về công tác này.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp các bộ chuyên ngành để làm chủ công nghệ xử lý dioxin, giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) với tinh thần tinh gọn, hiệu quả, trong đó, làm rõ cơ sở khoa học của việc sáp nhập hay không giữa Ban Chỉ đạo 33 và Ban Chỉ đạo chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tài trợ quốc tế cũng như trong nước; đầu tư nguồn lực, kinh phí để đẩy nhanh xử lý chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh khắc phục, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Cho rằng việc xử lý 10.000 ha/năm là cố gắng lớn, Thủ tướng mong muốn thời gian tới cần làm từ 30.000-50.000 ha/năm và phấn đấu đến 100.000 ha/năm. Cần quán triệt mục tiêu xuyên suốt của Chương trình 504 là huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để bom mìn gây chết người, thiệt hại và yêu cầu hỗ trợ sinh kế, trợ giúp nạn nhân bom mìn. Phải làm tốt công tác tuyên truyền phòng, tránh tai nạn bom mìn. Sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Nguồn www.chinhphu.vn