Theo đánh giá của địa phương, hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn tăng khá mạnh, với số lượng 54.000 con. Trong đó, đàn trâu, bò chiếm trên 22.000 con; dê, cừu gần 19.400 con; heo 13.000 con. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để giúp bà con ngày càng tiếp cận hơn với hướng chăn nuôi mới, trong những năm qua, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ tập quán chăn thả sang nuôi tập trung, đồng thời tận dụng triệt để các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ… và kết hợp trồng cỏ để tạo thêm nguồn thức ăn, chủ động liên kết các ngành chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi… nên số lượng đàn gia súc trên địa bàn luôn tăng cả số lượng và chất lượng.
Gia trại chăn nuôi bò của ông Ka Dá Tía, thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải.
Từ những giải pháp, định hướng thiết thực của ngành Nông nghiệp huyện đã giúp cho nhiều nông hộ địa phương có điều kiện đầu tư phát triển đàn gia súc lâu dài. Điều đáng mừng là nhiều hộ không chỉ biết áp dụng các kỹ thuật mới để chăm sóc tốt, mà còn thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng chủ động nguồn thức ăn, nước uống. Điển hình như hộ ông Ka Dá Tía (thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải) từ 3 con bò cái ban đầu, đến nay, gia đình ông đã sở hữu được 12 con. Ông Tía cho biết: Trong điều kiện đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, nếu chăn thả thì không đủ thức ăn, bò kém phát triển. Chính vì vậy, ngoài tận dụng các phụ phẩm từ thân cây bắp, rơm sau khi thu hoạch, gia đình còn để dành 2 sào đất trồng cỏ voi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ… nên đàn bò luôn phát triển tốt.
Không chỉ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đưa ngành chăn nuôi phát triển đi lên, hằng năm, huyện Thuận Bắc còn tranh thủ các nguồn vốn Chương trình 135, Dự án Hỗ trợ Tam nông và các chương trình giảm nghèo để hỗ trợ con giống cho các xã khó khăn có điều kiện chăn nuôi, cải thiện đời sống gia đình. Ngoài việc phát triển đàn gia súc theo hướng tăng số lượng đàn thì gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trang trại, gia trại với quy mô đàn từ vài chục con đến hàng trăm con. Qua thống kê, trên địa bàn huyện có 10 trang trại và khoảng 30 gia trại tập trung ở các xã Bắc Sơn, Lợi Hải… Đặc biệt, việc phát triển đàn heo theo hướng nuôi gia công liên kết với doanh nghiệp đang phát triển mạnh, với 5 trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, số lượng lên tới hàng ngàn con. Với hình thức nuôi trên, khi người dân có sẵn chuồng trại, sẽ được công ty ký hợp đồng cung cấp giống, thức ăn, cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Sau mỗi lứa xuất chuồng, người dân được trả công theo số lượng heo được xuất bán.
Tuy nhiên, ngoài những điều kiện thuận lợi thì việc chăn nuôi gia súc ở huyện Thuận Bắc còn gặp phải một số khó khăn như người dân còn phụ thuộc nhiều vào đồng cỏ tự nhiên, một số gia đình còn thiếu vốn đầu tư, chưa chú trọng nhiều đến việc áp dụng khoa học-kỹ thuật… Để tháo gỡ khó khăn trên, ông Nguyễn Châu Cảnh cho biết thêm: Thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành quy hoạch vùng trồng cỏ lên 466 ha, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Phấn đấu đưa ngành chăn nuôi gia súc trở thành hướng sản xuất chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Hồng Lâm