Ảnh minh họa
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 85 điều; đồng thời, bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đô thị du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch vào các điều, khoản có liên quan.
Về phạm vi điều chỉnh, trước một số ý kiến cho rằng còn chung chung, quá ngắn gọn, UBTVQH đã tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong kinh doanh du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý Nhà nước về du lịch.
Tại phiên họp, UBTVQH tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài...
Nhiều băn khoăn về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, UBTVQH cho rằng, việc thành lập Quỹ đã được quy định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Quỹ ra đời sẽ góp phần tích cực để giải quyết khó khăn hiện nay của ngành du lịch. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, Quỹ sẽ huy động phần đóng góp của các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa và cùng với một phần ngân sách Nhà nước để triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành du lịch.
Trên cơ sở đó, UBTVQH quy định cụ thể về mục đích, nguyên tắc hoạt động, nguồn hình thành; về tổ chức và hoạt động của Quỹ, cũng như Hội đồng quản lý Quỹ giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại về việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phân tích, theo dự thảo Luật thì Quỹ được hình thành từ các nguồn như: Vốn điều lệ do ngân sách Nhà nước cấp, khoản thu trích từ phí thị thực nhập cảnh của khách du lịch, khoản thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú, khoản thu trích từ phí tham quan... Ông Nguyễn Văn Giàu lo ngại sẽ không phù hợp với nhiều luật khác, do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thận trọng, bảo đảm phù hợp với các luật.
Khẳng định quan điểm cần thành lập Quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định băn khoăn khi dự thảo Luật quy định Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là tổ chức tài chính Nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng; cho rằng: “Nếu là tổ chức tài chính Nhà nước thì các hiệp hội không góp tiền vào đâu. Có thành công hay không thì Nhà nước chỉ góp vốn mồi vào thôi, còn phải huy động vốn của doanh nghiệp, hiệp hội lữ hành, những người hưởng lợi từ du lịch...”. Ông Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ lo lắng khi dự Luật không đề cập đến việc ai sẽ quản lý quỹ này.
Cũng về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị rồi nên phải tính toán để thực hiện chủ trương. Tuy vậy, phải quy định rõ, cụ thể là thuế hay phí, nếu trích thì trích bao nhiêu. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nên có đánh giá tác động, dự kiến thu bao nhiêu, chi thế nào, sự phát triển của quỹ ra sao…
“Chúng ta có khoảng 80 quỹ, trong đó chỉ có 50 quỹ hoạt động. Vừa qua, hoạt động của quỹ cũng phải chấn chỉnh lại, sợ quy định thế này thì lỏng lẻo quá sẽ gây khó khăn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng tình với việc nên thành lập Quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng: “Điều quan trọng là cần chia sẻ với quảng bá du lịch, không có quỹ không thúc đẩy được du lịch”.
Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá, việc thiết kế hình thành, sử dụng Quỹ là chưa rõ, chưa đủ; đồng thời nhấn mạnh: Lập Quỹ là phải huy động ngoài ngân sách vào, nhưng phải đồng bộ với các luật, không thể “đá” luật khác.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, xã hội hóa cao. Chính vì vậy, điểm khó khi xây dựng luật là khi đưa ra những quy định cụ thể thì đều liên quan đến các luật khác, trong đó về Quỹ thì liên quan đến Luật Ngân sách quy định.
Bộ trưởng cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là nguồn hình thành Quỹ, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 200-300 tỷ đồng, ngoài ra có nguồn xã hội hóa đóng góp của doanh nghiệp. Nhưng nếu doanh nghiệp không đóng góp thì phải nghĩ đến phí tham quan, khoản thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú...
“Cách đây 10 năm, Luật Du lịch đã quy định hình thành Quỹ rồi, nhưng đến nay vẫn không hình thành được vì không có nguồn”, Bộ trưởng nêu vướng mắc.
Đề xuất 2 phương án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài
Đối với việc có nên thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài (Khoản 4, Điều 73) hay không, UBTVQH cho biết, trong bối cảnh du lịch được Đảng và Nhà nước định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như hiện nay thì việc thành lập Văn phòng là cần thiết. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp, tác động tích cực đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 6, Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài quy định: Cơ quan đại diện nước Việt Nam có nhiệm vụ tham gia xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư; vận động tranh thủ viện trợ và quảng bá về du lịch Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận. Vì vậy, UBTVQH đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Tại các thị trường du lịch trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Kinh phí hoạt động của Văn phòng được bảo đảm từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và các nguồn thu hợp pháp khác.
Phương án 2: Tại các thị trường du lịch trọng điểm, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có bộ phận chuyên trách xúc tiến quảng bá du lịch. Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện điều này sau khi thống nhất ý kiến với Bộ VHTT&DL.
Cho ý kiến về nội dung này, đa số ủy viên UBTVQH đồng ý theo phương án 2.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, việc lồng ghép văn phòng xúc tiến du lịch vào các cơ quan đại sứ sẽ có hiệu quả thông qua việc tổ chức các sự kiện, vì đại sứ quán tại các nước có nhiều lợi thế hơn so với các cơ quan đại diện.
Cùng quan điểm này, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh thị trường du lịch trọng điểm cần bổ sung thêm các thị trường du lịch tiềm năng để khai thác hiệu quả tiềm năng từ du lịch, đưa du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Cũng trong chiều 14/3, UBTVQH đã thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 3/7/2007 của UBTVQH.
Nguồn www.chinhphu.vn