Nếu so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,39%, vượt 0,39% so với kế hoạch. Cụ thể: huyện Bác Ái giảm 6,65%; Ninh Phước 4,68%; Thuận Nam 3,41%; Ninh Sơn 3,24%; Ninh Hải 2,28%; Thuận Bắc 1,9% và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 0,2%. Có thể nói, kết quả nêu trên là sự nỗ lực rất lớn của các ngành và địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) theo hướng giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhìn vào chỉ số hộ nghèo ở từng địa phương, điều dễ dàng nhận thấy là tỷ lệ hộ nghèo cao hay thấp tương ứng với số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ít hay nhiều.
Hiệu quả kinh tế từ cây bắp lai đã góp phần nâng cao đời sống của người dân xã Phước Trung (Bác Ái). Ảnh: V.M
Cân phân mà nói, thời gian qua, trước thực trạng nghèo của đồng bào DTTS tỉnh ta nói riêng và đồng bào DTTS cả nước nói chung, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, chương trình dự án hỗ trợ hộ nghèo, địa bàn nghèo vùng DTTS như Chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng quan tâm hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo DTTS. Ngoài ra, còn có nhiều chính sách, chương trình, dự án khác liên quan đến sinh kế của đồng bào DTTS như dạy nghề, hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp... Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Theo báo cáo điều tra, rà soát của các địa phương, trong 100% hộ nghèo (20.253 hộ/81.294 khẩu) thì hộ nghèo thuộc người DTTS chiếm 55% (11.139 hộ/51.673 khẩu) và chiếm 33,15% trong tổng số hộ DTTS (11.139/33.599 hộ). Điều đáng nói là, trong khi tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh có xu hướng giảm thì tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS năm 2016 tăng so với năm 2015 từ 47,22% lên 55%. Là dân tộc có dân số xếp thứ 2 trong nhóm DTTS của tỉnh (9,99%) nhưng qua điều tra, dân tộc Raglai có tỷ lệ nghèo cao nhất trong nhóm DTTS, cụ thể: trong số 33,15% hộ nghèo DTTS thì hộ nghèo là người Chăm chỉ chiếm 7,99%; ngược lại hộ nghèo là người Raglai chiếm đến 45,32%.
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do xuất phát điểm của người DTTS vùng núi thấp hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng, bên cạnh đó các điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, văn hóa, thu nhập, giao thông cũng gặp nhiều bất lợi. Thu nhập của người nghèo, người cận nghèo DTTS chủ yếu từ ngành nông nghiệp, mà ngành này có mức tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các ngành khác của nền kinh tế. Đặc biệt, từ cuối năm 2014 kéo dài đến năm 2016 thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra tiếp tục làm cho đồng bào DTTS-đối tượng ảnh hưởng trực tiếp nhất, làm ảnh hưởng đến kinh tế hộ cũng như về đời sống, các tiêu chí tiếp cận đa chiều liên quan. Mặt khác, kết cấu hạ tầng vẫn còn thấp, điều kiện tiếp xúc các dịch vụ, các tiến bộ về khoa học kỹ thuật còn khó khăn. Trình độ dân trí, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao... cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển. Đây đã và đang là thách thức cho các địa phương có nhiều đồng bào DTTS nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Chăn nuôi gia súc có sừng giúp nhiều nông hộ ở xã vùng cao Phước Hà (Thuận Nam)
vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Ngọc
Để giải bài toán giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH một cách toàn diện; khắc phục dần tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”; phát huy khả năng sáng tạo, nhất là những điển hình phát triển kinh tế giỏi trong vùng đồng bào DTTS để thúc đẩy KT-XH toàn vùng phát triển. Huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS để từng bước đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gắn với tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo; đổi mới tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo bền vững. Dựa vào cơ cấu nghèo DTTS, cần có những chính sách phù hợp với đối tượng nghèo ở từng địa phương để giúp tỷ lệ nghèo, cận nghèo giảm bền vững hơn.
Mai Dũng