Cô giáo Nguyễn Thị Năng hướng dẫn học sinh học môn Mỹ thuật.
Ông Tôn Thất Nhật, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Là đơn vị có nhiệm vụ dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng và giáo dục hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật... nên học viên đến Trung tâm thường có nhiều độ tuổi khác nhau, đa phần trẻ mắc các khuyết tật như: Khiếm thính, trí tuệ, vận động, hội chứng Down, tự kỷ, đa tật… Với nhiều dạng tật và lứa tuổi của trẻ như vậy, nên việc dạy và học tại Trung tâm hoàn toàn khác so với các trường mầm non, tiểu học bình thường. Để phát triển trí tuệ, rèn luyện kỹ năng, kết hợp dạy văn hóa cho các em, mỗi giáo viên phải xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Đối với trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và khuyết tật nặng (trên 7 tuổi), giáo viên dạy mỗi trẻ 4 tiết/tuần theo chương trình can thiệp sớm và phát triển kỹ năng cơ bản với 4 nội dung chính, gồm: Vận động thô, vận động tâm, nhận thức và ngôn ngữ xã hội giúp các em thay đổi hành vi theo hướng tích cực, có kỹ năng tự phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày. Đối với trẻ khuyết tật trong độ tuổi tiền học đường (7-13 tuổi) không thể theo học ở các trường bình thường, các em học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo với thời lượng 2 buổi/ngày.
Để các em tiếp thu bài hiệu quả, các thầy, cô giáo tại Trung tâm thường nghiên cứu, sáng tạo ra một số đồ dùng phù hợp với từng môn học, đối tượng trẻ. Trong các tiết dạy, giáo viên tăng cường sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học. Riêng với trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và khuyết tật nặng, giáo viên giảng dạy theo kế hoạch giáo dục cá nhân (1 thầy, 1 trẻ, 1 phụ huynh), vừa dạy trẻ, vừa hướng dẫn phụ huynh cách dạy con ở nhà để tăng cường hiệu quả, giúp trẻ duy trì và hình thành thói quen tốt. Cô Nguyễn Thị Năng, Tổ trưởng Tổ Tiền học đường, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1A, chia sẻ: Lớp có 8 học sinh, chủ yếu mắc khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, tăng động, cá biệt có em năm nay 13 tuổi nhưng trí tuệ chỉ tương đương với trẻ 5 tuổi. Bởi vậy, để các em có thể đọc, viết và làm những phép tính đơn giản là cả một quá trình dài. Trong quá trình giảng dạy, để học sinh tiếp thu bài hiệu quả, các thầy, cô giáo phải nỗ lực rất nhiều, mỗi giáo viên vừa làm cô giáo, vừa làm người mẹ, người bạn cùng học, cùng ăn, cùng chơi với trẻ. Tuy vất vả nhưng nhìn các em tiến bộ là chúng mình cảm thấy ấm lòng, có thêm niềm tin để nỗ lực trong sự nghiệp trồng người.
Cô giáo Nguyễn Thị Năng cho biết thêm: Trước đây, khi mới vào Trung tâm, nhiều trẻ đã lớn nhưng không có kỹ năng tự phục vụ, một số mắc chứng tự kỷ, tăng động nên rất cục tính... Tuy nhiên, sau một thời gian học tập, đa phần các em có chuyển biến rõ rệt, các em đã biết đọc, biết viết, biết vẽ tranh, tự tin và hòa đồng hơn so với trước. Điển hình như em Lưỡng Nhật (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) bị mắc chứng tự kỷ và tăng động, lúc mới tới Trung tâm, Nhật thường leo trèo bàn ghế, cầu thang, tự làm đau mình và bạn bè, sau một thời gian học tập, Nhật đã có chuyển biến tích cực, em chịu ngồi yên và học cùng các bạn. Hay như em Nguyễn Vĩnh Cơ (9 tuổi, ở phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) bị mắc chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ, sau khi đến Trung tâm, Cơ đã dạn dĩ hơn, biết vẽ tranh, phân biệt màu sắc, con vật và làm các bài Toán, Tiếng Việt đơn giản…
Ông Tôn Thất Nhật chia sẻ thêm: Việc phát hiện sớm trẻ khuyết tật là điều hết sức quan trọng, bởi nếu một đứa trẻ được phát hiện mắc khuyết tật trước 3 tuổi và được can thiệp bằng phương pháp phù hợp thì khi lớn lên, khuyết tật có thể được khắc phục đến 70%. Hiểu rõ vấn đề này nên thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm trẻ khuyết tật, Trung tâm còn tích cực phối hợp, tổ chức tập huấn cho giáo viên tiểu học, mầm học trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân và phát hiện sớm trẻ khuyết tật; phối hợp với Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nắm bắt kịp thời số lượng trẻ khuyết tật; hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho một số trường tiểu học, mầm non… Qua đó, góp phần phát hiện sớm và giúp trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với giáo dục, từ đó nỗ lực, phấn đấu, vươn lên khẳng định mình trong đời sống cộng đồng.
Phạm Lâm