Để giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, Hội PN huyện đã tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ PN phát triển kinh tế và các nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ để tạo điều kiện cho 4.650 lượt hộ vay, nâng tổng dư nợ lên trên 89,8 tỷ đồng. Hội cũng đã chủ động mở 8 lớp tư vấn giới thiệu cho 120 hội viên, PN làm việc tại Công ty THHH Thủy sản Thông Thuận; giới thiệu xuất khẩu lao động 6 trường hợp tại Ai Cập, Úc. Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều chị em đã thoát nghèo.
Nghề đan lát mây tre giúp chị em phụ nữ xã Phước Hà tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Ảnh: Sơn Ngọc
Chị Vó Thị Ly, ở thôn Trà Nô (xã Phước Hà), trước đây 2 vợ chồng làm thuê, cuộc sống lao động cực nhọc mà vẫn không đủ ăn. Năm 2008, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Hội PN xã, chị Ly vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 5,5 triệu đồng, mua 2 con bò cái về nuôi. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 10 con, gia đình trả hết nợ vay ngân hàng, cuộc sống ổn định, có điều kiện để nuôi 2 con ăn học. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, ở thôn Nhị Hà 2 (xã Nhị Hà), cách đây 4 năm, gia đình chị Thoa thuộc diện hộ cận nghèo, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Hội PN xã, chị Thoa được vay 10 triệu đồng từ nguốn vốn Dự án Hỗ trợ Tam nông, gia đình góp thêm vốn mua 4 con bò về nuôi vỗ béo. Nhờ chăm sóc tốt, đàn bò phát triển, tạo đà cơ sở làm ăn, đến nay gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Để chị em thêm gắn bó, tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống, các tổ hội đã có nhiều hình thức tiết kiệm để tạo vốn xoay vòng như mô hình: “Tiết kiệm làm theo Bác”, “Tiết kiệm mùa xuân”, “ Hũ gạo tiết kiệm”, “Con heo nhân ái”… Cùng với các hoạt động trên, các cấp Hội đã duy trì phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua các hoạt động như vận động chị em vần đổi công, hỗ trợ giống, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm làm ăn… Qua đó, góp phần xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Trong hoạt động phong trào, Hội PN huyện đã duy trì 27 CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch”, với 793 thành viên; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay, 100% gia đình hội viên đều có sọt đựng rác để đúng nơi quy định và vận động nhiều chị em giữ gìn vệ sinh trong gia đình và cộng đồng. Huy động chị em và phối hợp vận động Nhân dân triển khai thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê” ở những nơi thanh niên thường xuyên tụ tập, đường hẻm, đường nhiều ổ gà hay xảy ra tai nạn giao thông. Kết quả, đã lắp được 35 bóng điện, hàng tháng mỗi hộ dân trên tuyến đường tự nguyện đóng góp 20.000 đồng để trả tiền điện phát sinh thêm…, các phong trào đã dần đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả.
Chị Trần Thị Huệ, Chủ tịch Hội PN huyện Thuận Nam cho biết: Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, Hội PN huyện còn tiếp tục nhân rộng các mô hình CLB, tổ, nhóm sinh hoạt; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp thực hiện liên tịch nhằm tạo vốn, hỗ trợ dịch vụ tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững…
Trần Phương