Trao đổi với người nông dân nuôi ốc hương vào diện “đầu bảng” ở xã Phước Dinh, chúng tôi được biết anh Châu đã có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nghề nuôi tôm thương phẩm trong những năm gần đây kém hiệu quả do nguồn nước bị ô nhiễm. Từ năm 2014, anh Châu quyết định chuyển sang nuôi ốc hương trong hồ xi măng có mái che. Cơ sở này do anh sang nhượng lại của một doanh nhân từ TP. Hồ Chí Minh ra Sơn Hải đầu tư nuôi ốc hương bị “thất bại” do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi. Trong đó có 4 ha ao nuôi ốc hương lộ thiên và 1 ha xây dựng 110 hồ xi măng nuôi ốc hương thương phẩm. Sau khi sang nhượng, anh Châu thay mái lá dừa nước bằng mái tole và lợp lưới chống nóng; nền hồ lót cát biển dày 6 cm. Đồng thời khoan giếng bơm nước biển lên lắng lọc cung cấp nguồn nước sạch cho hồ nuôi. Đối với ao nuôi lộ thiên, anh đầu tư lợp lưới đen thử nghiệm trên diện tích 2 ha nhằm giảm ánh nắng tác động lên ao nuôi.
Anh Nguyễn Văn Châu nuôi ốc hương đạt hiệu quả kinh tế cao ở thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh.
Vụ đầu tiên vào giữa năm 2014, anh Châu thả giống nuôi ốc hương mật độ 10 ngàn con/hồ/32 m2. Anh cung cấp thức ăn cho ốc hương bằng nguồn tôm, ghẹ tươi. Sau mỗi lần cho ăn nguồn nước cũ được tháo xả và bơm nước mới vào hồ tạo môi trường nước sạch kết hợp sục khí tăng khả năng trao đổi oxy. Nhờ biện pháp nuôi dưỡng trong môi trường nước sạch, đầy đủ dinh dưỡng, không sử dụng kháng sinh, ốc hương của gia đình anh Châu sống khỏe, nhanh lớn. Sau 5-6 tháng nuôi, anh xuất ốc hương bán nội địa cở 80- 100 con/kg được thương lái thu mua với giá 200- 250 ngàn đồng/kg. Đối với ao nuôi lộ thiên sử dụng lưới che nắng tạo môi trường thuận lợi cho ốc hương sinh trưởng tốt. Nhờ ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật phù hợp chu kỳ sinh trưởng của ốc hương giúp anh Châu có những “mùa vàng” bội thu từ vật nuôi mới trên địa bàn xã Phước Dinh. Trung bình mỗi năm, anh xuất ao 70- 80 tấn ốc hương thương phẩm thu doanh thu vài chục tỉ đồng. Anh nghiên cứu nuôi thành công ốc hương bố mẹ cho sinh sản chủ động nguồn con giống sạch tại trang trại. Anh Châu tạo việc làm thường xuyên cho 30- 40 lao động địa phương có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Đối với lao động gắn bó với chủ trại được anh thưởng lương tháng 13 vào dịp cuối năm và ứng trước tiền công cho lao động mượn cải thiện nhà ở.
Khi được hỏi về bí quyết thành công trong nghề nuôi ốc hương thương phẩm có mái che, anh Châu cười hồn hậu, chia sẻ:” Tui thay lá dừa nước bằng mái lole có lưới chống nóng vừa mát về mùa hè vừa ấm về mùa đông kết hợp thay nước sạch thường xuyên và cung cấp đầy đủ thức ăn nên con ốc hương “sống khỏe”. Đối với ao nuôi ngoài trời, tui giăng lưới để ngăn ánh nắng tạo môi trường cho tảo phát triển làm “mái che” cho ốc hương sinh trưởng. Hiện nay, khi cải tạo ao nuôi tui rải mật đường tạo môi trường cho tảo phát triển nên không phải dùng lưới che. Tui sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc hương cho bà con thôn xóm vươn lên làm giàu chính đáng từ tiềm năng và lợi thế địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Mô hình nuôi ốc hương trong hồ xi măng có mái che của gia đình anh Nguyễn Văn Châu.
Đồng chí Nguyễn Thái Đạo, Phó Chủ tịch UBBD xã Phước Dinh nhận xét:”Anh Nguyễn Văn Châu là nông dân đầu tiên áp dụng hiệu quả mô hình nuôi ốc hương có mái che đem lại thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho 30- 40 lao động. Ốc hương là loài nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương cho thu nhập cao đang được bà con mở rộng diện tích. Tính riêng năm 2016, nông dân Phước Dinh thả nuôi 52 ha ốc hương, sản lượng ước đạt trên 1.350 tấn. Chính quyền địa phương đề nghị Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiến hành khảo sát hiệu quả mô hình nuôi ốc hương có mái che của gia đình anh Châu để phổ biến nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời quy hoạch vùng nuôi tâp trung, đánh giá tác động môi trường, hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân phát triển nghề nuôi ốc hương theo hướng an toàn, bền vững”.
Sơn Ngọc