Theo đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh, sau 2 năm thực hiện đề án, cơ cấu thuyền nghề chuyển dịch theo đúng định hướng, năng lực khai thác được đầu tư phát triển. Trong 8 chỉ tiêu đề ra, đã có 5 chỉ tiêu hoàn thành, trong đó điểm nhấn là hoàn thành phân cấp quản lý 1.249 tàu cá dưới 20 CV cho các huyện, thành phố ven biển và qua tuyên truyền, vận động đã giảm bớt 331 tàu cá có công suất dưới 20 CV, đạt 26,59%, vượt mục tiêu đề án đề ra. Mặt khác, nhằm khuyến khích, vận động ngư dân chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi và vùng biển xa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo Chi cục TS tỉnh phân công cán bộ chuyên môn phối hợp cùng ngư dân tổ chức 22 chuyến khảo sát thăm dò ngư trường, tham gia trực tiếp khai thác với ngư dân trên các vùng biển (quần đảo Trường Sa, giàn khoan DK1) cho các nghề câu, nghề lưới rê khơi; (ngư trường Ninh Thuận–Bình Thuận) cho các nghề bẫy bắt cua huỳnh đế, vây rút chì, pha xúc và dịch vụ hậu cần. Chi cục TS tỉnh còn chủ động phối hợp với đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương vùng biển tuyên truyền, vận động, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghề theo quy định cho 287 ngư dân đủ điều kiện, nâng tổng số lên 6.626 ngư dân trong tỉnh được đào tạo và cấp chứng chỉ nghề.
Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới bằng vỏ Composite mang tên Việt Anh của ngư dân Nguyễn Đức Hải
(ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, Ninh Hải). Ảnh: Mai Dũng
Đối với hoạt động khai thác TS bằng nghề lưới vây rút mùng, hoặc tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác TS, Chi cục TS đã tổ chức kiểm tra 154 trường hợp, qua đó đã phát hiện và thu hồi giấy phép 24 trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước về kích thước mắt lưới tối thiểu. Từ năm 2013 đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, Chi cục TS đã phát hiện, xử lý 95 trường hợp vi phạm. Đặc biệt vào tháng 3-2014, Chi cục TS đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định tịch thu, tiêu hủy vàng lưới vây rút mùng và xử phạt 26,2 triệu đồng đối với tàu cá NT-90179-TS của một ngư dân cư ngụ tại thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Nhìn chung qua công tác tuyên truyền, ý thức tự giác chấp hành những quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi TS của ngư dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện vẫn còn tình trạng tàu thuyền công suất nhỏ lén lút hoạt động đánh bắt bằng lưới vây rút mùng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 195 tàu cá hành nghề lưới vây rút mùng, tập trung nhiều nhất ở Khánh Hải (Ninh Hải), Cà Ná (Thuận Nam). Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Dù ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển nghề nhưng do chi phí sử dụng chất nổ thấp mà lượng cá thu được nhiều, một số chủ thuyền hám lợi vẫn tiếp tục hành nghề này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng ngư dân và sự răn đe của cơ quan quản lý nhà nước địa phương”. Trước thực trạng đó, để triển khai thực hiện tốt Đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh, giai đoạn 2017-2020, Sở NN&PTNT đề xuất một số giải pháp quan trọng, trong đó xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức để ngư dân được biết, tự giác chấp hành những quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi TS; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động khai thác TS trên các vùng biển. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương vùng biển, vận động ngư dân tích cực đầu tư nâng cấp thuyền nghề vươn khơi khai thác hải sản tại các vùng biển xa (Trường Sa-DK1) và thay đổi tập quán sản xuất, tích cực liên kết với nhau thành tổ đoàn kết trên biển.
Hiện nay, Chi cục TS tỉnh đang đẩy mạnh kiểm tra thực tế kích thước mắt lưới các tàu hoạt động khai thác TS bằng nghề lưới vây rút mùng, kiên quyết không cấp phép khai thác nếu có vi phạm về mắt lưới quá nhỏ. Tuy nhiên để chấm dứt các hành vi trên, theo đồng chí Đặng Văn Tín, giải pháp quan trọng hơn cả là tiếp tục phối hợp với các Đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sử dụng trái phép chất nổ và lưới vây rút mùng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần giám sát, đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; kiên quyết không cấp vốn đầu tư đối với các hộ ngư dân có hoạt động khai thác hải sản bằng nghề lưới vây rút mùng.
Bạch Thương