Tăng cường định hướng thẩm mỹ nghệ thuật

(NTO) Thẩm mỹ nghệ thuật (TMNT) là một bộ phận của thị hiếu thẩm mỹ, có giá trị về văn hóa tinh thần. Giáo dục, định hướng TMNT cho cộng đồng xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ là một vấn đề được quan tâm hiện nay, huy động sự “vào cuộc” của đông đảo các nhà lý luận, phê bình, các văn nghệ sỹ uy tín và báo chí, qua đó góp phần giáo dục, định hướng TMNT, nâng cao năng lực cảm thụ, thưởng thức, đánh giá nghệ thuật của đông đảo các tầng lớp nhân dân và giới trẻ.

Trong những năm gần đây, có không ít lo lắng cho rằng cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ đang ở mức báo động về TMNT. Ca khúc mới ngày càng nhiều, ra đời rất nhanh nhưng nội dung lại khá “làng nhàng”, thậm chí là thiếu sâu sắc, song lại được khá đông bạn trẻ yêu thích; công chúng ngày càng đến với sân khấu ca nhạc nhiều hơn, đông hơn mặc dù giá vé không rẻ, nhưng lại ít đến với các triển lãm nghệ thuật. Nhiều bộ phim nhựa, phim truyền hình có giá trị lịch sử, đậm tính nhân văn, đoạt giải tại các liên hoan phim nhưng thưa vắng người xem… Đặc biệt, chúng ta dễ dàng nhận thấy có quá nhiều thứ được dán mác nghệ thuật đang xâm nhập vào đời sống. Trường hợp Tùng Sơn là một ví dụ. Anh chàng này được cư dân mạng đặt cho biệt danh là Công chúa Thủy Tề, chuyên hóa trang thành nữ, quay clip để nói về chuyện làm đẹp, sự đảm đang của người phụ nữ hiện đại… Những dạng clip này đẹp cũng chẳng thể nói là đẹp, hay thì cũng chẳng thể nói là hay, hài hước chưa tới tầm nhưng lại gây chú ý bởi sự “tiếp tay” không biết vô tình hay cố ý của một số trang mạng. Trước đó, hẳn mọi người chưa quên trường hợp Lệ Rơi cũng nổi như cồn một dạo. Thậm chí, Lệ Rơi còn rời khỏi quê hương để “Nam tiến” với ước mộng được nổi tiếng… Cả Tùng Sơn và Lệ Rơi chỉ là hai trong số vô vàn trường hợp bỗng dưng nổi như cồn và nổi một cách khác thường song chẳng có tài năng, năng khiếu nghệ thuật gì nổi bật, không thể đại diện cho nghệ thuật. Bởi lẽ nghệ thuật, dù hình thức nào, dù “mới” hay “cũ” phải luôn hàm chứa cái đẹp, tôn vinh giá trị của cái đẹp, nâng cao giá trị thẩm mỹ, bồi đắp, góp phần hoàn thiện tâm hồn con người.

Giáo dục TMNT là công việc của mọi cấp, mọi ngành, từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Để định hướng TMNT cho cộng đồng xã hội hiệu quả, cần có chiến lược nâng cao mặt bằng thẩm mỹ chung trong xã hội. Nêu cao vai trò của giáo dục và đối tượng trước mắt cần tập trung là thế hệ trẻ-chủ nhân tương lai của đất nước. Ngay từ trong gia đình, người lớn cần hướng dẫn con trẻ từ việc nhỏ như lựa chọn chương trình tivi, cùng trao đổi về nội dung vừa xem, vừa nghe; đưa con đến các trung tâm văn hóa-nghệ thuật những lúc rảnh rỗi; cho con tham gia các lớp học nghệ thuật; cùng con thưởng thức các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó định hướng thị hiếu, TMNT, hình thành năng lực cảm thụ, quý trọng, lưu giữ và sáng tạo các giá trị thẩm mỹ. Đồng thời, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường được xem là con đường cơ bản, có giá trị lâu dài có tác dụng định hướng TMNT đúng đắn cho thế hệ trẻ thông qua việc giảng dạy các môn học, đặc biệt các môn học nghệ thuật như văn học, âm nhạc, mỹ thuật. Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh như tổ chức các hoạt động văn hóa, các chương trình văn nghệ, vẽ tranh chào mừng các ngày lễ lớn trong năm… Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sẽ góp phần định hướng, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật cho cộng đồng xã hội, góp phần thúc đẩy hoạt động nghệ thuật chất lượng và đạt được những giá trị nghệ thuật cao .