(NTO) Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực từ ngày 1-2- 2017, theo đó tăng mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT nơi công cộng, lên mức tối đa 7 triệu đồng. Đơn cử như hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này sẽ bị tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt 5 đến 7 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 1 đến 3 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng cũng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt này tăng gấp 10 lần mức phạt cũ…
Đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh bãi biển Bình Sơn, góp phần xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp.
Ảnh: Sơn Ngọ
Có thể nói, Nghị định trên thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc làm thay đổi thói quen vốn dĩ đã “thâm căn cố đế” của nhiều người dân tiện đâu xả đó mà không chú trọng đến môi trường, thậm chí là mỹ quan nơi công cộng… Chỉ nói đến việc xả rác, cả nông thôn lẫn thành thị mặc dù nhiều địa phương đã tổ chức bộ phận thu gom rác thải với mức phí hàng tháng chỉ bằng gói thuốc lá “hạng trung” nhưng vẫn có gia đình, thậm chí là khá giả vẫn “lén” đổ rác xuống kênh mương thủy lợi hoặc nơi công cộng!. Hay như hút thuốc lá thì bất kể nơi đâu và rất… tự nhiên như chỗ không người: tự nhiên hút và cũng rất tự nhiên “khảy” tàn thuốc cũng như đầu mẩu thuốc lá đã hút xong cho dù một số nơi khuyến cáo không hút thuốc hoặc quy định nơi hút thuốc hẳn hoi!...
Nhiều người hưởng ứng Nghị định nói trên của Chính phủ và cho rằng môi trường trong lành, người dân chính là chủ thể được hưởng lợi, môi trường bị ô nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, điều băn khoăn là ai phạt và phạt ai, trong khi những hành vi làm tổn hại đến môi trường như xả rác, vệ sinh cá nhân nơi công cộng… phải được “bắt tận tay, day tận trán” mới có thể gọi là có “chứng cứ” để xử lý, còn bằng không thì xem như “phủi tay” mặc dù trước đó ai cũng thấy!. Tất nhiên, Nghị định Chính phủ đã quy định rõ những cơ quan, lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Chương III của Nghị định nhưng cũng không dễ thực hiện như lãnh đạo một số đơn vị “trong cuộc” cho biết. Một số người “hiến kế”: Để thực hiện Nghị định 155, nên giao “trọng trách” này cho tổ trưởng các tổ dân cư trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về BVMT trên địa bàn. Vì hơn ai hết chính tổ trưởng tổ dân cư là người nắm rõ nhất nếp sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, thậm chí nắm rõ ý thức chấp hành pháp luật, an ninh trật tự của từng hộ. Cũng có ý kiến cho rằng, trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị, trong đó các đoàn thể sẽ là nòng cốt tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến BVMT, các hành vi vi phạm được đề cập trong Nghị định. Qua đó sẽ góp phần nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân, mỗi người phải tự bài trừ những hành vi xấu...
Suy cho cùng, việc xử phạt là cần thiết nhưng biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là vận động, tuyên truyền để mỗi người dân cùng chung tay vào cuộc giữ gìn môi trường chung nơi công cộng cũng như khu dân cư. Khi cả cộng đồng nâng cao được ý thức và trách nhiệm thì chắc chắn những hành vi làm tổn hại đến môi trường cũng sẽ dần bị “triệt tiêu”!.
TD