Văn hóa Hàn Quốc đang “thổi” một làn gió mới vào nhiều lĩnh vực đời sống của người Việt, đặc biệt là giới trẻ, giúp chủ động hơn trong việc thỏa mãn sở thích và mở rộng vốn hiểu biết về văn hóa xứ sở kim chi. Tác nhân giúp làn sóng Hallyu lan tỏa mạnh mẽ chính là sự tương đồng với Việt Nam về văn hóa ứng xử trọng tình nghĩa, kính trên nhường dưới, coi trọng cảm xúc, lối sống tiết kiệm, giản dị…
Không thể phủ nhận, người Hàn rất thành công trong phủ sóng Hallyu ra thế giới, trong đó có Việt Nam là “thị trường” thành công nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy, để có được thành công như trên, người Hàn đã có hẳn một chiến lược bài bản. Bắt đầu từ những bộ phim truyền hình ăn khách, làn sóng Hàn Quốc đã lan tỏa đến mọi lĩnh vực trong đời sống, từ thời trang, âm nhạc, điện ảnh đến ẩm thực, ngôn ngữ… và sau đó là ăn sâu bén rễ vào nếp nghĩ, lối sống của cộng đồng xã hội và đông đảo bạn trẻ Việt. Sau 20 năm, có thể khẳng định Hallyu đã trở thành “sức mạnh mềm” khiến nhiều người trên thế giới, đặc biệt là châu Á sẵn sàng đi theo “phong cách Hàn Quốc”. “Bóng dáng” văn hóa Hàn Quốc đang ngập tràn trong giới trẻ, từ phong cách ăn mặc, thẩm mỹ, lối sống… Vừa qua, bộ phim Hàn Quốc “Hậu duệ mặt trời” được chiếu trên các kênh truyền hình, gây "sốt" trong giới trẻ không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước châu Á. "Sốt" đến mức nhiều bạn trẻ Việt đã tìm mua những bộ quân phục được may giống như trong phim và “hồn nhiên” diện với tâm trạng hân hoan bởi “đơn giản” là họ yêu thích phim và yêu mến thần tượng của mình…, đã dấy lên sự tranh luận trong cộng đồng xã hội, sâu xa hơn đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết về lịch sử của khá đông bạn trẻ Việt…
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, việc tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới là xu thế tất yếu, tuy nhiên, việc tiếp thu ồ ạt không chọn lọc của một bộ phận giới trẻ thiếu sự định hướng đúng đắn dẫn đến những hiện tượng cuồng nhiệt thái quá lại là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa và tất yếu phải có sự tiếp nhận, giao thoa để phát triển. Để không bị nhấn chìm hay cuốn trôi về văn hóa, cần nâng cao năng lực tiếp nhận của cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ khi tiếp xúc với làn sóng Hallyu. Gia đình, nhà trường và các đoàn thể chính trị-xã hội cần chú trọng bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nâng cao hiểu biết lịch sử, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo đảm cho sự hình thành, phát triển và hoàn thiện những phẩm chất đạo đức cần thiết, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ và sự phát triển xã hội. Trên cơ sở đó, xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó ra sức tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Anh Trang