(NTO) Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, một số người quen của tôi ở ngoài tỉnh điện thoại hỏi thăm và muốn tìm hiểu kỹ hơn về Trang trại nho Ba Mọi để “đặt lịch” chọn làm điểm đến khi có dịp. Có người còn khẳng định như “đinh đóng cột” rằng dứt khoát phải đưa gia đình đến thăm vào dịp hè này!. Tôi nửa đùa nửa thật: - Phan Rang đâu chỉ có Trang trại nho ông Ba Mọi mà còn nhiều vùng nho khác... Không để tôi nói hết, đầu dây bên kia ông bạn tôi đã chen ngang: - Nhưng sao qua thông tin mình chỉ thấy giới thiệu mỗi trang trại này thôi mà. Có gì ông hướng dẫn thêm...
Ông Ba Mọi giới thiệu với du khách về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nho. Ảnh: Sơn Ngọc
Phải nói rằng, ông Ba Mọi đã quá thành công với tên tuổi của doanh nghiệp mà ông đứng đầu, hay nói khác hơn là tên tuổi của ông đã ngày càng có sức lan tỏa sâu và rộng ở nhiều người tại nhiều địa phương trong nước và cả ngoài nước. Chỉ tính trong 3 ngày Tết vừa qua, bình quân mỗi ngày có đến trên dưới 1.000 lượt du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan cơ sở của ông, chủ yếu là “mục sở thị”, tìm hiểu về quy trình sản xuất nho và thưởng thức các sản phẩm sau nho do gia đình ông tự chế biến với “công thức” riêng và thương hiệu cũng rất riêng, rất rặt nông dân “có sao nói vậy!”. Một số “nhà kinh tế” nghiệp dư nhẩm tính: Chỉ cần 50% trong số người đến tham quan mua các sản phẩm từ cơ sở ông bán thì doanh thu cũng không phải nhỏ, lợi nhuận theo đó cũng tăng đáng kể... Thực ra, đây cũng chỉ mới tính đến hiệu quả kinh tế đơn thuần, còn tôi lại nghĩ khác. Cái được lớn hơn gấp nhiều lần đó là “lãi” về quảng bá thương hiệu. Với vài ngàn người đến Trang trại tham quan sẽ là “cấp số nhân” lên nhiều lần số người biết thông qua “kênh” thông tin từ chính du khách mà ông Ba Mọi không phải tốn đồng nào để quảng bá như những doanh nghiệp khác phải trả chi phí quảng cáo!. Có người cho rằng ông Ba Mọi bằng chính bản tính chân chất của anh nông dân đã vận dụng quá thành công thành ngữ “Hữu xạ tự nhiên hương”!. Nói đúng hơn, ông Ba Mọi đã áp dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp “trọn gói” với “công nghệ cao” từ liên kết sản xuất đến nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chế biến, làm ra sản phẩm sạch...
Ngẫm lại mới thấy, Ninh Thuận chí ít đã có 2 loại trái cây được xếp vào danh mục “đặc sản” của cả nước và riêng có bởi độ thơm, ngon... đó là nho và táo xanh. Với diện tích trên 1.100 ha nho và gần 900 ha táo đã cho trái với sản lượng hàng năm trên 32 ngàn tấn mỗi loại. Trong khi, Trang trại nho của ông Ba Mọi chỉ là con số quá nhỏ về diện tích nhưng lại đứng đầu về tên tuổi và nói không ngoa rằng nhờ ông Ba Mọi mà nho, táo Ninh Thuận được nhiều người trong và ngoài nước biết đến...
Có người đặt câu hỏi rằng: Sao nhiều người trồng nho, táo không làm như ông Ba Mọi?. Thực ra là có, ví dụ như vùng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) cũng là điểm đến của du khách nhưng cũng chỉ đơn điệu nho tươi, theo mùa. Trong khi Trang trại ông Ba Mọi thì đón khách quanh năm, mùa nào thức ấy...
Suy cho cùng, hơn nhau là ở cách làm và biết cách làm nông nghiệp gắn với du lịch. Ông Ba Mọi tuy là lớn tuổi nhưng trong mắt nhiều du khách thì ông lại là “anh” nông dân “trẻ” cả tư duy sản xuất và tư duy kinh tế thị trường... trong khi có nhiều nông dân trẻ nhưng lại “già” bởi bảo thủ với tư duy theo sản xuất truyền thống mà thôi!.
HH