VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để “Tết trồng cây” hiệu quả, thiết thực như Bác Hồ dạy!

(NTO) Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước, một việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ cũng chính là để nêu cao một nếp sống đạo đức: Vì mọi người, vì cộng đồng.

Từ đó đến nay, hơn 57 năm qua, lời phát động “Tết trồng cây” của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và đi vào nếp sống thường nhật của Nhân dân, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng được triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.           

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tham gia trồng cây xanh tại Công viên Biển Bình Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc

Ngày nay, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đe dọa cuộc sống con người trên Trái đất. Bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững đã trở thành yêu cầu sống còn đối với mỗi quốc gia. Do vậy, “Tết trồng cây” lại càng có ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tầm quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ môi trường sống, tạo môi trường “xanh-sạch-đẹp”; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, cải thiện chất lượng rừng và môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của rừng…

Những năm qua, tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, các ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh đã trồng hàng vạn cây xanh, tạo “lá phổi sống” thanh lọc và cải thiện môi trường, đồng thời tạo cảnh quan cho bộ mặt các đô thị, thị tứ, thị trấn. Nhiều phong trào hay về bảo vệ môi trường, chăm sóc và quản lý cây xanh như: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Tuyến đường tự quản”… xuất hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt việc xã hội hóa trồng cây xanh trên các tuyến đường, nhất là tại các trung tâm huyện, thành phố ngày càng lan tỏa tạo nên phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Trồng, chăm sóc, phát triển vốn rừng ngày càng được chú trọng. Chỉ tính trong năm 2016, ngoài tổng diện tích rừng giao khoán bảo vệ trên 67.081 ha, toàn tỉnh đã có trên 1.000 ha rừng trồng mới thuộc các dự án, riêng cây phân tán đã trồng trên 731,5 ngàn cây, vượt 4 lần so với kế hoạch… Nhờ đó, không những nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 46%, mà còn góp phần cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Việc trồng cây, gây rừng còn thúc đẩy ngành kinh tế lâm nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, việc tổ chức “Tết trồng cây” ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa chú trọng đến việc lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng… Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp. Tình trạng phá rừng, cháy rừng còn xảy ra ở một số địa phương có rừng...

Để “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây” theo đúng lời Bác dạy “Trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng nhiều mà không bảo vệ và chăm nom cây”. Bên cạnh đó, tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để đảm bảo cây trồng, rừng trồng phát triển tốt, gắn với những giải pháp mạnh ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc tình trạng phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn.

Tại buổi lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Đinh Dậu 2017 diễn ra sáng 2-2 tại Cẩm Sơn (Cẩm Phả, Quảng Ninh), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh, đi cùng với việc hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, các tầng lớp nhân dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Làm tốt điều này là làm theo lời dạy của Bác, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống cho muôn đời con cháu.