Nhị Hà mùa mía chín

(NTO) Trở lại xã Nhị Hà (Thuận Nam) vào những ngày đầu tháng 2 năm nay, chúng tôi gặp nông dân nhộn nhịp vào mùa thu hoạch mía đường. Cây mía đứng chân trên đồng đất Nhị Hà cho năng suất, chất lượng cao, ít sử dụng nước tưới. Mía đường nằm trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu được chính quyền địa phương khuyến khích nông dân liên kết với doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích.

 
Nông dân xã Nhị Hà vào mùa thu hoạch mía đường niên vụ 2016- 2017.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm ở thôn Nhị Hà 2 dẫn đường chúng tôi ra ruộng mía của gia đình ông đang thu hoạch. Cây mía sau một năm “đứng đồng” vào vụ chín da nâu sẫm, thân to gần bằng cổ tay, cao vượt quá đầu người. Trên 50 lao động khẩn trương chặt mía, chất lên xe máy cày chuyển đến điểm tập kết bốc lên xe tải vận chuyển về Nhà máy đường Phan Rang. Đây là năm đầu tiên, ông Tâm chuyển đổi 1,4 ha đất trồng bắp lai sang trồng mía đường. Ông được Công ty Cổ phần đường Biên Hòa- Phan Rang ứng trước vật tư trị giá 30 triệu đồng bao gồm hom giống, phân bón và hỗ trợ 4,8 triệu đồng tiền mặt/ha mía tơ. Công ty cử cán bộ ra đồng kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây mía. Gia đình ông xuống giống vào đầu tháng Chạp năm 2016 đến nay thu hoạch vụ mía đầu tiên, sản lượng ước đạt 100 tấn. Với giá thu mua mía nguyên liệu hiện nay là 860 ngàn đồng/tấn 10 chữ đường, ông Tâm có lãi chút ít. Ông hy vọng mía gốc các vụ sau, gia đình ông có thu nhập khá từ hiệu quả kinh tế của cây mía đường.

Chúng tôi tìm gặp lão nông Huỳnh Tím có “thâm niên” gần 40 năm giữ vững cây mía đường trên đồng đất Nhị Hà. Ông là một trong những nông dân đầu tiên ở địa phương liên kết với Nhà máy đường Phan Rang trồng mía nguyên liệu từ năm 1980 đến nay. Ông chuẩn bị thu hoạch 2 ha mía đường niên vụ 2016- 2017, gồm 1,1 mía gốc và 0,9 ha mía tơ. Lão nông Huỳnh Tím chia sẻ:”Qua nhiều năm trồng mía, tui rất yên tâm tin tưởng vào chính sách đầu tư và thu mua sản phẩm của Nhà máy đường Phan Rang. Cán bộ kỹ thuật và công nhân nhà máy làm việc trách nhiệm gắn kết chặt chẽ với bà con nông dân từ khâu xuống giống đến chăm sóc, thu mua; tiền bạc thanh toán nhanh gọn. Tui gắn bó với cây mía đường cho thu nhập trung bình 50- 70 triệu đồng/năm, bảo đảm ổn định cuộc sống gia đình. Trên đồng đất Nhị Hà chưa có loài cây ngắn ngày nào cho thu nhập cao hơn cây mía. Do đó, tui quyết tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng mía 3-4 sào từ những năm trước đến nay lên 2 ha”.

Công nhân bốc xếp mía lên xe cung cấp nguyên liệu chế biến cho Nhà máy đường Phan Rang.

Đồng chí Lê Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Hà cho biết toàn xã hiện có 524 ha ruộng lúa và 60 ha đất màu chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang, gieo trồng 2 vụ/năm. Vụ mía năm nay, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa- Phan Rang hợp đồng với nông dân canh tác 15 ha; có 12 ha mía gốc và 3 ha mía tơ. Đây là loài cây công nghiệp cho thu nhập cao, ít sử dụng nước tưới, liên kết canh tác theo mô hình “4 nhà cùng ra đồng”. Thực hiện chủ trương chuyển dịch clơ cấu cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu, chính quyền địa phương vận động nông dân chuyển dịch 200 ha ruộng gò trồng lúa sang các loài cây ngắn ngày ít dụng nước tưới gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, tăng thu nhập. Mía đường được xác định là loài cây kinh tế chủ lực tiếp tục liên kết với doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích trong những vụ tới.